Táo bón ở trẻ nhỏ

0
43
Táo bón là trường hợp trẻ đi ngoài số lượng phân quá ít, khó đi, phân cứng, khô hoặc đi thành từng viên nhỏ, trẻ có cảm giác khó và đau khi đi cầu, hoặc khoảng cách giữa hai lần đi ngoài quá lâu.

 

Theo một số quan điểm, trẻ ở độ tuổi sơ sinh bú mẹ được coi là bị táo bón khi không đi ngoài hàng ngày, với trẻ dưới 1 tuổi được coi là táo bón khi đi ngoài dưới 3 lần/tuần và đối với trẻ lớn thì dưới 2 lần/tuần.

 

Triệu chứng

 

– Trường hợp táo bón rõ: Trẻ cứ hai đến ba ngày mới đi ngoài một lần, khó đi, phân cứng, khô, hoặc đi thành từng viên nhỏ. Có thể có kèm theo một số biểu hiện khác như: trẻ biếng ăn, mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, có thể sốt.

 

– Trường hợp táo bón không rõ: Trẻ vẫn đi ngoài nhưng mỗi lần đi lượng phân rất ít, có thể có hiện tượng “ỉa chảy giả” đó là khi phân có hai phần, một phần là nước, một phần là những cục phân nhỏ, rắn như phân dê.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Nguyên nhân

 

– Với trẻ mới sinh: Nếu quá hai ngày mà trẻ vẫn chưa đi được “phân xu” thì có thể có nguyên nhân do dị dạng đường tiêu hóa như không có hậu môn, teo ruột… Trường hợp này cần đến bác sĩ khám ngay.

 

– Nếu trẻ sơ sinh bú mẹ mà táo bón, bạn có thể xem lại chế độ ăn của mẹ hoặc do trẻ chưa bú đủ lượng. Nếu trẻ không bú đủ lượng, trẻ có thể tăng cân chậm hoặc không tăng cân. Trẻ sơ sinh bị táo thường khóc to vì đau bụng sau  những cơn rướn người, vặn người đỏ mặt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ ba bốn ngày mới đi ngoài một lần nhưng phân mềm hoặc hoa cà hoa cải, số lượng phân nhiều, trẻ ăn ngủ, chơi ngoan không quấy khóc, tăng cân đều đặn thì cha mẹ không nên lo lắng.

 

– Trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa bò cũng dễ bị táo bón

 

– Trẻ uống nước không đủ, nhất là khi trời nóng

 

– Với trẻ ở độ tuổi ăn dặm, hiện tượng táo bón thường liên quan đến chế độ ăn mất cân đối giữa lượng chất đạm, bột và chất xơ.

 

– Theo đông y, trẻ có thể bị táo bón do hiện tượng tích nhiệt ở trong người (còn gọi là nóng trong). Hiện tượng này có thể có sau khi trẻ ốm, do chế độ ăn thiếu cân đối hoặc ăn quá nhiều, do thời tiết, đặc biệt lúc chuyển mùa…

 

– Trẻ có thể bị táo bón do hậu môn bị viêm, đau…

 

– Với trẻ lớn hơn, ngoài nguyên nhân do chế độ ăn, bạn còn nên tính đến nguyên nhân do tâm lý căng thẳng, thay đổi môi trường sống, sợ bẩn, sợ đi ngoài ở những môi trường lạ…

 

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Điều trị

 

Nếu trẻ bị táo bón nguyên nhân do dị tật đường ruột, hậu môn, do tổn thương đường ruột… và một số táo bón ở mức độ nghiêm trọng cần được giải quyết tại bệnh viện. Nếu trẻ bị táo bón do nứt hậu môn thì cần được rửa sạch hậu môn bằng nước sạch có pha chút muối hoặc nước lá chè xanh, hoặc nụ vối rồi bôi chút thuốc mỡ kháng sinh như tetraxiline 1% hoặc gel kamistad nếu trẻ được trên 6 tháng.

 

Với những táo bón thông thường, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như sau:

 

– Nếu trẻ bú mẹ thì mẹ nên thay đổi chế độ ăn, tránh ăn đồ cay, nóng, ăn thêm đồ mát, uống nước mát, ăn nhiều chất xơ…

 

– Trẻ nuôi bằng sữa ngoài nên xem lại cách pha sữa đã hợp lý chưa? Trẻ trên ba tháng tuổi có thể cho uống thêm chút nước cam quýt mỗi ngày. Trẻ trên bốn tháng tuổi có thể thêm vài thìa con nước luộc rau vào nước pha sữa

 

– Trẻ ở tuổi ăn dặm cần điều chỉnh chế độ ăn cho thích hợp. Nếu lượng đạm động vật trong bữa ăn của trẻ nhiều quả, bạn nên giảm bớt đi. Đạm động vật cần ninh nhừ cho dễ tiêu, với trẻ nhỏ, bạn cần xay hoặc băm nhỏ thịt. Nên cho trẻ ăn thêm đạm thực vật cho cân đối với đạm động vật. Cho trẻ ăn nhiều rau hơn, đặc biệt là những rau có tác dụng nhuận tràng tốt như rau khoai lang, bí đỏ, cà rốt… Cho trẻ ăn nhiều các loại quả chín, đặc biệt là đu đủ chín, dưa hấu… tránh hoặc giảm cho trẻ ăn một số loại quả nóng vào mùa hè như mít, xoài, ổi…

 

-Có thể cho trẻ ăn thêm vừng, uống bột sắn dây hoặc quấy sắn dây thành chè lẫn với vừng đen xay mịn

 

– Có thể trộn một thìa vừng đen đã rang rồi xay hoặc giã mịn với một thìa mật ong cho trẻ ăn trước bữa ăn hàng ngày.

 

– Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là những nước làm mát cơ thể

 

– Cho trẻ vận động chạy nhảy đủ, trẻ trên ba tuổi có thể hướng dẫn cho trẻ tập một số động tác thể dục hỗ trợ như thở bụng, đứng lên ngồi xuống kết hợp với hít vào và thở ra

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

– Xoa bụng đều đặn theo chiều kim đồng hồ sau khi ăn chừng 1,5 đến 2 giờ. Mỗi lần xoa chừng 5 phút là đủ

 

– Với trẻ nhỏ, nếu cần thiết, bạn có thể dùng biện pháp kích thích trẻ đi ngoài bằng cách nhúng một đầu tăm bông nhỏ vào mật ong hoặc glyxerine hoặc chút nước xà phòng nhẹ rồi ngoáy nhẹ vào hậu môn trẻ. Lưu ý, đây chỉ là biện pháp kích thích trẻ khi quá lâu ngày trẻ không đi ngoài chứ không giải quyết được vấn đề táo bón. Bạn cũng không nên áp dụng nhiều tránh tạo thành phản xạ quen.

 

– Với trẻ táo bón do nguyên nhân tâm lý, bạn có thể dùng biện pháp thư giãn, thở bụng, giải thích cho trẻ hiểu sự quan trọng của việc đi ngoài đều đặn, nên tập cho trẻ làm quen với môi trường mới một cách từ từ để tránh phản xạ táo bón do bị ức chế hoặc quá sợ

 

– Nếu trẻ bị táo bón do mới tập ngồi bô thì nên động viên khuyến khích trẻ, tìm biện pháp làm quen với cái bô, hoặc nếu cảm thấy trẻ quá căng thẳng thì cha mẹ có thể hoãn việc tập ngồi bô lại trong khoảng 1-2 tuần, sau đó giải thích cho trẻ cẩn thận rồi lại bắt đầu lại từ đầu

 

– Trong mọi trường hợp, cha mẹ nên tránh căng thẳng, lo lắng quá mức gây tâm trạng căng thẳng cho trẻ thì không những khó giải quyết được vấn đề táo bón mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trẻ

 

– Các loại thuốc nhuận tràng phải dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ

 

– Nếu áp dụng các biện pháp trên trên một tuần mà không hiệu quả, hoặc nếu bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe như trẻ kém ăn, gầy sút… bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện.

 

 

 

 

Táo bón ở trẻ nhỏ

 

Theo NTD