Các mẹ cần làm gì khi bé kêu đau bụng?

0
59
Chẩn đoán đau bụng ở trẻ em là một việc không dễ, ngay cả với các bác sĩ. Bài viết dưới đây sẽ trình bày những triệu chứng đau bụng ở trẻ em nhằm giúp cha mẹ mau chóng đưa con em mình đi khám bác sĩ; đồng thời có thái độ bình tĩnh, nhận biết đúng bản chất nặng nhẹ của chứng đau bụng và xử trí an toàn những trường hợp đau bụng không cần thiết phải đến bác sĩ.

 

Các triệu chứng của đau bụng cấp

 

Ðầu tiên cần loại trừ?tình trạng đau bụng cấp. Ðau bụng cấp là tình trạng cần phẫu thuật khẩn cấp. Mổ sớm sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe của trẻ. Thậm chí tính mạng của bé có thể bị đe dọa nếu điều trị trễ vài giờ.

 

Các triệu chứng sau đây là biểu hiện của tình trạng đau bụng cấp. Khi có hoặc nghi ngờ là một trong những triệu chứng này, cần đưa bé đến bệnh viện ngay:

 

– Ðau bụng dữ dội.

– Ðau bụng khiến bé không dám cử động.

– Ðau bụng có kèm ói mửa, chất ói có màu xanh rêu hoặc nâu, đen.

– Bé có những biểu hiện như bụng cứng, bụng đau khi sờ đến và có đề kháng (cơ thành bụng co lại, cản trở tay người ấn bụng không thể ấn sâu).

– Bé đau bụng cộng với toàn trạng có vẻ rất bệnh hoạn, sức khỏe toàn thân suy sụp nhanh chóng, lừ đừ hoặc kích thích, hốt hoảng.

 

 

Trong số các bé bị đau bụng, những biểu hiện đau bụng cấp như trên tuy hiếm nhưng đòi hỏi phải luôn cảnh giác.

 

Ðau bụng do tiêu chảy, ngộ độc thức ăn

 

Khi bé đau bụng có kèm tiêu chảy rõ ràng, phân tóe nước và đi nhiều lần, nôn, đi ngoài phân có mái có thể kết luận là đau bụng do tiêu chảy hoặc ngộ độc thức ăn. Tùy mức độ tiêu chảy, gia đình có thể chăm sóc bé ở nhà nếu nắm vững cách xử trí tiêu chảy (có thể tìm hiểu vấn đề này ở các cơ sở y tế) hoặc đưa bé điều trị tại bệnh viện.

 

Ðau bụng do nhiễm giun

 

Những trường hợp đau bụng đã kéo dài nhiều tuần, các cơn đau tái đi tái lại, vị trí đau ở vùng quanh rốn và không khu trú cụ thể thường được cho là đau bụng do giun đũa. Chẩn đoán nhiễm giun dựa vào xét nghiệm phân thấy có trứng giun. Rất nhiều trường hợp đau bụng như thế cuối cùng đã được kết luận là đau bụng cơ năng; và không thấy ảnh hưởng gì đáng kể đối với sức khỏe của bé.

 

Ðau bụng do nhiễm trùng

 

Các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là viêm amiđan, viêm phổi, sốt rét, viêm gan cũng có kèm triệu chứng đau bụng. Nguyên nhân hay gặp nhất của những cơn đau bụng mới chỉ xuất hiện vài ba ngày là nhiễm trùng. Dĩ nhiên, khi điều trị dứt nhiễm trùng thì đau bụng cũng sẽ hết.

 

 

Nhiễm trùng đường tiểu cũng gây đau bụng. Bé bị nhiễm trùng đường tiểu đau bụng ở vùng trên xương mu, đi tiểu đau (bé khóc khi đi tiểu), tiểu lắt nhắt nhiều lần, mỗi lần một ít hoặc đau ở vùng hông. Bé gái hay bị nhiễm trùng tiểu hơn bé trai. Nhiễm trùng tiểu đòi hỏi phải điều trị kỹ lưỡng, dài ngày nhằm tránh tác hại lâu dài.

 

Lồng ruột: Thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là những cháu bụ bẫm. Trẻ đau bụng từng cơn, trong mỗi cơn đau đều khóc thét, uốn người, nôn, có khi nôn hoặc đi ngoài ra máu. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn sâu.

 

Viêm ruột thừa: Đau bụng có kèm theo sốt và nôn (nôn ít).

 

Thoát vị bẹn: Khi khối thoát vị bị nghẹt, trẻ đau bụng kèm theo sưng vùng bẹn hoặc bìu.

 

Giun chui ống mật: Đau bụng từng cơn, vật vã, ở tư thế trồng cây chuối thì bớt đau hơn.

 

Viêm dạ dày cấp hoặc loét dạ dày, tá tràng: Đau bụng sau khi ăn những thực phẩm không thích hợp.

 

Viêm phổi: Thường sốt cao, đau bụng và khó thở.

 

Viêm cơ thành bụng: Cơ bụng sưng đỏ, đau.

 

Viêm vùng ngoài tim: Đau, khó thở, sốt, mệt mỏi…

 

Động kinh thể bụng: Trẻ hay kêu đau bụng, nhiều khi đau dữ dội, không theo chu kỳ (lúc đau, lúc không), có khi sốt. Chứng đau đôi khi liên quan đến trạng thái thần kinh. Bệnh thường kéo dài, khó phát hiện. Muốn chẩn đoán chính xác, phải làm một số xét nghiệm, đặc biệt là điện não đồ.

 

Tóm lại:

 

– Ðau bụng là biểu hiện của tình trạng đau bụng cấp, tuy hiếm gặp nhưng đòi hỏi cha mẹ phải cảnh giác và đưa bé đến bệnh viện ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ.

 

– Bé đau bụng do tiêu chảy có thể tự điều trị ở nhà nếu người chăm sóc nắm vững cách thức xử trí tiêu chảy.

 

– Ðau bụng mạn tính (tức đau bụng xuất hiện đã nhiều lần, tái đi tái lại khó chẩn đoán ra căn nguyên), nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm giun đũa. Mức độ đau không nhiều cũng như không ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe của bé.

 

 

– Ðau bụng mới xuất hiện vài ngày có nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng. Phụ huynh có thể yên tâm rằng đau bụng sẽ được điều trị dứt khi bé hết nhiễm trùng.

 

Xử trí

 

Cha mẹ cần theo dõi sát nếu trẻ đau bụng. Đưa trẻ đi cấp cứu ngay ở cơ sở y tế có chuyên môn cao nếu chứng đau bụng kèm theo các biểu hiện sau:

 

– Sốt, mệt mỏi.

– Nôn, buồn nôn.

– Chướng bụng, co giảm nhu động ruột.

– Không đi ngoài được hoặc không trung tiện được.

– Nôn ra máu hoặc đi phân đen.

– Sưng vùng bìu, bẹn.

– Thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt).

 

Các mẹ nên chú ý

 

Phụ huynh không được tự ý cho trẻ dùng thuốc, nhất là thuốc giảm đau hoặc kháng sinh vì những dược phẩm này sẽ làm lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán. Đã có nhiều trẻ bị đau bụng do viêm ruột thừa (nếu được mổ trong vòng 6 giờ sẽ khỏi và không có biến chứng) được cha mẹ cho uống kháng sinh và thuốc giảm đau, đến khi bệnh không khỏi mới đi bệnh viện. Lúc này, ruột thừa đã vỡ, rất khó điều trị và dễ dẫn đến các biến chứng viêm phúc mạc, viêm ruột, tắc ruột sau mổ, thậm chí tử vong.

 

Các mẹ cần làm gì khi bé kêu đau bụng?

 

Theo NTD