Dùng thuốc an toàn cho người suy tim mạn tính

0
2710

Tăng huyết áp, bệnh van tim, rung nhĩ, bệnh cơ tim, bệnh mạch thận và thiếu máu mạn tính là các nguyên nhân hoặc yếu tố làm nặng bệnh thường gặp nhất đối với suy tim ở người già.






Suy tim mạn tính
thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh có thể do nhiều nhóm nguyên nhân khác
nhau. Tăng huyết áp, bệnh van tim, rung nhĩ, bệnh cơ tim, bệnh mạch
thận và thiếu máu mạn tính là các nguyên nhân hoặc yếu tố làm nặng bệnh
thường gặp nhất đối với suy tim ở người già. Việc dùng thuốc điều trị
cho nhóm bệnh nhân này hết sức phức tạp do tuổi cao và thường có nhiều
bệnh lý kèm theo. Vậy sử dụng thuốc như thế nào là an toàn.

Kế
hoạch điều trị suy tim ở người lớn tuổi cần căn cứ vào triệu chứng cụ
thể của tình trạng suy tim cũng như những bệnh mà người bệnh mắc đồng
thời. Cần lưu ý giảm thiểu số lượng thuốc sử dụng và nguy cơ tương tác
thuốc. Các nhóm thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị suy tim ở người
lớn tuổi là thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển, kháng angiotensin, chẹn
bêta giao cảm và digoxin.

Người cao tuổi bị suy tim cần theo dõi chặt chẽ nồng độ canxi máu và chức năng thận.
Người cao tuổi bị suy tim cần theo dõi chặt chẽ nồng độ canxi máu và chức năng thận

Thuốc lợi tiểu: Hiện nay, lợi
tiểu vẫn là một trong những nhóm thuốc căn bản trong điều trị suy tim ở
người lớn tuổi, nhất là với các triệu chứng gây ra do tình trạng giữ
nước giữ muối như phù, tiểu ít.

Các nghiên cứu cho thấy, việc
dùng các thuốc lợi tiểu quai như furosemide có thể giúp giảm gánh cho
tim trái, nhờ đó cải thiện cung lượng tim.

Một vấn đề cần đặc
biệt lưu ý khi dùng thuốc lợi tiểu ở người lớn tuổi là phải điều chỉnh
liều lợi tiểu dựa vào triệu chứng của suy tim, theo dõi cân nặng, huyết
áp tư thế đứng và điện giải đồ của người bệnh. Liều của các thuốc lợi
tiểu quai nên được giảm xuống thấp nhất ngay khi tình trạng ứ trệ nước
và muối được giải quyết.

Một số trường hợp có thể gây khó
khăn cho việc dùng lợi tiểu ở người lớn tuổi là khi người bệnh có rối
loạn thăng bằng nước điện giải hoặc có phì đại tiền liệt tuyến gây khó
đi tiểu hoặc tiểu không tự chủ. Trong những trường hợp này, nên phối hợp
thêm các thuốc khác để có thể giảm được liều lợi tiểu.

Khi
bệnh nhân lớn tuổi phải dùng lợi tiểu kéo dài, nên duy trì ở liều thấp
nhất có thể và ưu tiên dùng đường uống, đường tiêm chỉ sử dụng trong
những trường hợp có thừa dịch nhiều hoặc có doạ phù phổi. Những trường
hợp phù kéo dài không đáp ứng với lợi tiểu thông thường, nếu loại trừ
được những nguyên nhân khác gây phù (như giảm albumin máu), có thể sử
dụng một đợt ngắn ngày những thuốc lợi tiểu khác mạnh hơn như
metolazone.

Các thuốc lợi tiểu giữ
kali như spironolactone khi dùng phối hợp với điều trị chuẩn có thể
giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện triệu chứng của suy tim. Những bệnh
nhân lớn tuổi dùng spironolactone cần được theo dõi chặt chẽ chức năng
thận và nồng độ kali trong máu.

Thuốc ức chế men chuyển: Hiện
nay có nhiều bằng chứng y học khẳng định lợi ích của các thuốc ức chế
men chuyển (như captopril, enalapril…) trong điều trị suy tim có giảm
chức năng tâm thu thất trái ở người lớn tuổi.

Ở một liều phù
hợp và khi không có chống chỉ định, các thuốc này giúp cải thiện triệu
chứng lâm sàng và giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân có suy giảm chức năng
tâm thu thất trái. Ở bệnh nhân lớn tuổi, cần lựa chọn liều khởi đầu một
cách thận trọng để tránh hiện tượng tụt huyết áp tư thế đứng. Một tác
dụng phụ cũng cần được lưu ý của nhóm thuốc này là gây ho, xảy ra ở
khoảng 1/3 số người dùng thuốc.

Nhóm chẹn bêta giao cảm: Cho
đến giữa những năm 1990, hiệu quả của các thuốc chẹn bêta giao cảm trong
điều trị suy tim vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi do các thuốc này
có khả năng làm giảm sức co bóp cơ tim. Tuy nhiên, các nghiên cứu với
quy mô rất lớn gần đây đã chứng minh hiệu quả rõ rệt của một số dẫn xuất
chẹn bêta giao cảm như metoprolol, carvedilol và bisoprolol trong điều
trị suy tim mạn tính, giúp giảm khoảng 1/3 tỷ lệ tử vong.

Đáng
lưu ý là hầu hết các dẫn xuất khác của nhóm chẹn bêta giao cảm đã không
chứng minh được hiệu quả rõ rệt như 3 thuốc trên, có thể do cơ chế tác
dụng của các thuốc này đối với tình trạng suy tim là không giống nhau.
Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy các thuốc chẹn bêta giao cảm có thể
hiệu quả cả trong các trường hợp suy tim nặng tiến triển, nhưng nhóm
thuốc này chỉ nên được sử dụng trong điều trị các trường hợp suy tim mạn
tính ổn định.

Thuốc kháng angiotensin: Khi
người bệnh có chống chỉ định với các thuốc ức chế men chuyển (như ho sau
dùng thuốc, suy thận nặng), có thể cân nhắc điều trị thay thế bằng các
thuốc kháng angiotensin như candesartan. Một số nghiên cứu lớn đã chứng
minh được hiệu quả và tính an toàn của các nhóm thuốc này (đặc biệt là
candesartan) trong điều trị các trường hợp suy tim mạn tính không dung
nạp với thuốc ức chế men chuyển.

Digoxin: Digoxin là một trong
những thuốc căn bản trong điều trị suy tim với tác dụng tăng sức co bóp
cơ tim và làm chậm nhịp tim. Chỉ định tốt nhất của thuốc là các trường
hợp suy tim có kèm theo rung nhĩ, thuốc có vai trò không lớn trong những
trường hợp suy tim với nhịp xoang. Đáng lưu ý là ở những bệnh nhân lớn
tuổi, rung nhĩ kèm theo suy tim thường có nguy cơ mất bù rất lớn. Do
việc hạ kali máu làm tăng nguy cơ nhiễm độc digoxin nên khi dùng digoxin
ở người lớn tuổi, cần theo dõi chặt chẽ nồng độ kali máu và chức năng
thận, đặc biệt nếu bệnh nhân có dùng thuốc lợi tiểu. Trong trường hợp
suy tim có kèm theo rung nhĩ, các thuốc chống đông nên được dùng phối
hợp với digoxin.

Minh Tâm ( st )