3 tháng giữa thai kỳ và 5 rắc rối mẹ bầu gặp

0
72
3 tháng giữa thai kỳ và 5 rắc rối mẹ bầu gặp

3 tháng giữa thai kỳ được coi là khoảng thời gian dễ chịu nhất, tuy nhiên mẹ bầu vẫn phải đối mặt với một số vấn đề rắc rối.

Những rắc rối của quá trình mang thai như táo bón, chóng mặt, nhiễm trùng đường tiểu… có thể sẽ xảy ra đối với một số mẹ bầu ở 3 tháng giữa – là khoảng thời gian từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 26 của thai kỳ.
3 tháng giữa thai kỳ và 5 rắc rối mẹ bầu gặp
3 tháng giữa thai kỳ và 5 rắc rối mẹ bầu gặp

1. Mệt mỏi

Mặc dù 3 tháng giữa thai kỳ được coi là quãng thời gian dễ chịu nhất trong suốt quá trình mang thai nhưng đôi lúc vẫn khiến bạn mệt mỏi.

Những cơn mệt mỏi ở giai đoạn này thường xuất hiện vào buổi chiều sau một ngày làm việc dài. Nếu ở trên cơ quan, mẹ bầu có thể nghỉ một lát và ăn một chút hoa quả cũng như đứng lên đi lại vài vòng. Còn nếu đang ở nhà, bạn có thể ngủ một giấc ngủ ngắn lúc xế chiều.

Yoga dành cho bà bầu có thể giúp bạn khắc phục mệt mỏi, lại làm chắc khỏe các dây chằng xung quanh xương chậu. Điều này khiến cơn chuyển dạ dễ dàng hơn.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy không khỏe thì đến gặp bác sĩ là lựa chọn tốt nhất cho mẹ bầu trong trường hợp này.

2. Khó thở

Đến 3 tháng giữa của thai kỳ, không ít thai phụ gặp trục trặc trong quá trình hô hấp. Họ cảm thấy tự nhiên khó thở, có thể kèm theo các triệu chứng khác như tim đập nhanh, chân tay run rẩy, cơ thể mệt mỏi…

Nguyên nhân của tình trạng khó thở là do trong giai đoạn thai nghén, người mẹ cần nhiều oxy hơn và thở nhanh là một trong những cách để lấy oxy vào cơ thể.

Hormone progesterone tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kích thích trung tâm điều khiển hô hấp trên não. Kết quả, nhịp thở trở nên khó khăn và gấp gáp hơn. Bên cạnh đó, việc bào thai lớn lên gây sức ép lên lồng ngực và phổi khiến bạn khó thở nhiều hơn.

Tình trạng khó thở và thở gấp khi mang thai phần lớn là bình thường và không gây hại. Mẹ bầu nên tăng cường nghỉ ngơi, khi ngồi thì nên ngồi thẳng và giữ cho vùng lưng được thẳng khi ngồi để phổi có khoảng không dễ dàng khi tiếp nhận oxy.

Ngay cả khi đứng, bạn cũng nên giữ vùng lưng được thẳng. Cong người lại sẽ khiến bạn khó thở hơn. Khi ngủ, có thể kê vài chiếc gối nhỏ ở phần thân trên để tránh áp lực của thai nhi chèn lên phổi.

3. Vụng về

Khi mang thai, nhiều mẹ bầu thấy sự khéo léo thường ngày của mình dường như bay đi đâu mất. Bụng bầu to lên khiến bạn dễ mất thăng bằng, dẫn tới vấp, ngã. Để khắc phục, mẹ bầu cần tránh đi lại trên sàn trơn, nên đi giày (dép) phù hợp.

Phần lớn các trường hợp lóng ngóng khi mang thai là bình thường, do thay đổi ở thể chất người mẹ. Ngoài ra, hội chứng ống cổ tay có thể gây đau, tê ngón tay cũng làm bạn vụng về hơn thì mẹ bầu cần đi khám sớm.

4. Đau háng

Những cơn đau nhói, ngắn sẽ xuất hiện ở khu vực này nhưng từ tuần 24 trở đi. Thông thường, cơn đau sẽ mạnh hơn khi đứng hoặc di chuyển. Nó cũng có thể xảy ra khi đi bộ, ho hoặc thay đổi tư thế (như vừa bước ra khỏi ôtô).

Có rất nhiều lý do gây nên những cơn đau bất thường này. Một trong số đó là vì dây chằng và các cơ tử cung đang giãn ra để tạo chỗ cho bào thai phát triển. Nhiều thai phụ thấy đau nhói, thường ở một bên háng.

Đau háng cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu. Điều này phải được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm.

Ngoài ra, đau háng cũng có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung (trứng đã thụ tinh thường làm tổ ở ống dẫn trứng), đặc biệt nếu kéo theo hiện tượng ra máu kéo dài. Hãy đi khám thường xuyên và tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ.

5. Đau nhức

Đau nhức có thể gia tăng khi thai nhi phát triển. Bạn có thể phải đối mặt với những cơn đau lưng dữ dội. Yoga và tư thế ngồi đúng sẽ giúp bạn hạn chế cơn đau lưng.

Bạn cũng có thể bị phù, khó chịu ở chân và mắt cá chân. Khi ngồi xuống, hãy xoay bàn chân của bạn và tránh ngồi bắt chéo. Ngoài ra, hãy kê chân lên một cái bục khi ngồi.