Sao Montessori có cách dạy con hay đến thế?

0
34

MONTESSRI là gì? đó là Tiến sĩ – nhà giáo dục, nữ bác sĩ người Italia, người đã dùng cả đời tâm huyết sáng tạo ra phương pháp giáo dục trẻ một cách hữu hiệu nhất đang được áp dụng giảng dạy rất thịnh hành trên thế giới.

Dạy con bằng phương pháp MONTESSORI từ 0-6 tuổi

Và cuốn sách về phương pháp giáo dục này của bà đã tình cờ đến với tôi làm thay đổi cách nghĩ của tôi trong việc dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi.

Tôi nhớ câu nói: “Biết được điều gì hay, đừng giữ cho riêng mình, đấy là đạo đức của người có học”. Tôi muốn chia sẻ với các bạn về cách dạy con từ trong nôi thật sự có ích qua những điều tôi học được trong cuốn sách Phương pháp giáo dục Montessori – Phương pháp giáo dục tối ưu cho trẻ từ 0 – 6 tuổi của tác giả Ngô Hiểu Huy.



Tôi nói có thể bạn không tin, nhưng đúng là “Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới” như cuốn sách đã dẫn, tôi suy nghĩ và ngẫm lại quá trình bắt đầu làm mẹ khi đứa trẻ còn đỏ hỏn, và thấy rằng tương lai của đứa trẻ trong nôi như thế nào phụ thuộc vào việc các bậc cha mẹ đảm nhiệm vai trò quan trọng của họ như thế nào.    

Trẻ từ 0 đến 6 tuổi rất nhạy cảm. Tuổi ấu thơ là quãng thời gian quan trọng và quý giá của mỗi người. Sự phát triển và trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tương lai của trẻ. Trong giai đoạn này, nhiều bộ phận quan trọng của trẻ phát triển như: não bộ, vận động, ngôn ngữ, tính cách… Tâm trí tiếp nhận của trẻ dưới 6 tuổi bao gồm tiếp nhận vô thức của 3 năm đầu và tiếp nhận có ý thức ở 3 năm sau.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Tại sao trên thế giới bây giờ rất nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ? cũng chỉ vì cha mẹ chưa biết cách tạo ra môi trường cho con học tập và chưa dành thời gian bên con. Nếu các bậc cha mẹ nhất là người mẹ có thể dành thêm một chút thời gian bên con, vậy thì trên đời này sẽ có thêm nhiều những thiên thần đáng yêu và bớt dần đi những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý. Vì “Công việc có thể đợi chúng ta, chứ cái cầu vồng không thể đợi chúng ta xong việc mới chỉ cho con xem được”, hay như chuyện “Hai đô la và 1 giờ” bố cậu bé luôn bận việc, để cậu bé một mình, cậu bé ấy đã tha thiết muốn chơi với bố bằng cách mua thời gian của bố…


/data/article/mainimages/saveimages/img61663BMRJU-1332064698_1.jpg

Cậu bé muốn bỏ ra 2 đô la để mua 1 giờ làm việc của bố
ảnh minh họa


Từ những ví dụ trên, tôi thấy vai trò của cha mẹ rất quan trọng với con. Vậy chúng ta phải tiếp cận và dạy trẻ như thế nào để trẻ phát triển cả về trí tuệ và tình cảm? Trong giai đoạn này, cái mà trẻ em cần không phải là sự giúp đỡ chỉ dạy của người lớn mà là một môi trường hoạt động tự do, hoàn toàn không có người lớn. Không nên đặt ra tiến độ quá gắt gao với trẻ, cũng không nên so sánh trẻ với những đứa trẻ khác, chỉ cần theo sát bước tiến của con, để trẻ được lớn lên trong môi trường tràn đầy yêu thương và tự do. Bạn hãy dạy trẻ bằng cách hãy coi trẻ như một người lớn nhỏ tuổi. Để trẻ làm quen với môi trường theo từng độ tuổi như: trẻ 0 đến 6 tháng tuổi bố mẹ bố trí căn phòng sao cho con có thể nhìn và cảm nhận màu sắc đồ vật, và gương mặt mẹ mình một cách rõ nhất…, trẻ từ 1, 5 tuổi đến 6 tuổi thì bố mẹ chú ý bố trí đồ sinh hoạt của trẻ sao cho hợp lý, để trẻ có thể tự mình làm mọi việc một cách tự lập như: Đi dép, để dép ngay ngắn; tự rửa tay trước khi ăn, tự mặc quần áo, tự lấy kem đánh răng và đánh răng… có thể cùng mẹ làm một số việc nhà mà trẻ thích như: mẹ hướng dẫn cách chọn đồ khi đi chợ, hướng dẫn trẻ ăn mặc sao cho phù hợp với mùa, giải thích cho trẻ những hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống… Đó là cách tạo sự thân thiện với trẻ và giúp trẻ tự lập. Đôi khi cũng đưa ra những quy định về giờ giấc, về quan điểm nhất quán để trẻ cùng mình tôn trọng các quyết định đã được thống nhất như: tối chỉ đọc 2 truyện, trẻ sẽ tuân thủ không đòi đọc thêm. Nếu ta phá vỡ quy ước lúc đọc 1 truyện lúc đọc 3 truyện thì trẻ sẽ có cớ để giận dỗi quấy khóc khi đòi thêm không được đáp ứng, ta sẽ không giải thích được vì sao không đọc nữa.

Trong giai đoạn này uốn nắn trẻ theo nếp nhà là dễ nhất, vì trẻ sẽ nghe lời bố mẹ, bố mẹ như một thế giới mới lạ mà trẻ nhìn vào để học tập. Bố mẹ phải làm gương cho trẻ, trẻ sẽ để ý bố mẹ từ lời nói đến việc làm. Đối với chúng, bố mẹ làm gì cũng đúng, đứa trẻ sẽ hình thành tính cách từ đây.

Theo nghiên cứu, các bậc cha mẹ về cơ bản có 3 dạng: Thứ nhất là dạng Quyền uy, thứ hai là dạng Chuyên chế, thứ ba là dạng Nghe theo. Cha mẹ dạng thứ nhất luôn quan tâm và hiểu trẻ, dành thời gian cho trẻ, có kì vọng, yêu cầu và kiểm soát hợp lý đối với trẻ… Những đứa trẻ lớn lên trong gia dình này sẽ có khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng cao nhất, chúng có tính tự chủ cao, dễ hòa nhập vào môi trường xung quanh.
Cha mẹ dạng truyền thống của Việt Nam thường thuộc nhóm thứ hai, cha mẹ nói gì con phải làm, đừng hỏi tại sao. Không giảng giải lý lẽ với trẻ, không thể hiện sự cảm thông và hiểu trẻ, thậm chí còn dùng vũ lực dạy trẻ. Những đứa trẻ này sẽ thường rất chú trọng đến bài vở, cũng rất nghe lời, nhưng khi gặp áp lực chúng sẽ không biết tại sao phải làm việc này việc kia. Ví dụ như: việc học đàn. Cha mẹ bảo học thì trẻ học, còn tại sao cần học thì trẻ không biết, chỉ biết học.

Cha mẹ dạng thứ ba thông thường yêu trẻ hơn cả yêu mình, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ một cách không có giới hạn. Những đứa trẻ trong gia đình dạng này về nhận thức hay giao tiếp đều không có khả năng cạnh tranh, chúng thiếu tính tự lập.

Chúng ta thử suy nghẫm xem mình thuộc cha mẹ ở dạng nào? từ đó chúng ta tự điều chỉnh cho phù hợp để dạy con, rèn con có được tấm lòng biết yêu thương, biết hòa nhập với môi trường xung quanh. Cho dù con ở nhà hay ở lớp con cũng vẫn sẽ tự tin và tự lập, và chúng ta sẽ rất yên tâm công tác để cùng nhau phát triển tương lai cho con.

Bạn hãy cùng tôi trải nghiệm qua cuốn sách Phương pháp giáo dục tối ưu cho trẻ từ 0 – 6 tuổi để có những đứa con khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn nhé.

Mẹ Chích Bông

Sao Montessori có cách dạy con hay đến thế?