Nghệ thuật phê bình cấp dưới dành cho vị sếp tâm lý

0
92

Việc thưởng – phạt thỏa đáng, có tình, có lý khiến nhân viên tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên so với khen thưởng thì việc phê bình không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Biết cách để “chê khéo” khiến nhân viên tâm phục, khẩu phục không phải nhà quản lý nào cũng biết. Dưới đây là 6 cách phê bình khéo léo mà không mất tình cảm với cấp dưới nhà quản lý nên tham khảo.

Công – tư phân minh

Điều tiên quyết khi làm sếp là cần phải “công tư phân minh” nhất là trong việc khen thưởng và xử phạt. Hãy công bằng với tất cả nhân viên. Công bằng không chỉ là đối xử với mọi người như nhau mà còn là chế độ thưởng – phạt phải rõ ràng, tùy theo mức độ nặng, nhẹ mà lựa chọn hình thức xử phạt tương ứng.

Tuyệt đối không thiên vị với bất cứ lỗi sai của một nhân viên nào. Đừng vị tình mà nhắm mắt làm ngơ với lỗi sai của một nhân viên “thân cận” và tuyệt đối không lạm dụng lỗi sai của nhân viên để “trút giận” cá nhân.

Hãy đảm bảo rằng bạn chỉ phê bình nhân viên trên phương diện công việc, tránh ngoài lề. Khiển trách phải đúng người, đúng tội, trên cơ sở đã tìm hiểu thấu đáo và gần như nắm chắc 200% nguyên nhân, bản chất, tính nghiêm trọng trong lỗi sai của cấp dưới.

Uốn lưỡi bảy lần trước khi phê bình

Cổ nhân có dạy “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, khi phê bình còn cần phải cẩn trọng hơn thế. Hãy cân nhắc cách sử dụng ngôn ngữ. Nên nhớ, bạn đang phê bình cấp dưới với cương vị của một người sếp, thế nên đôi khi phải sử dụng lời lẽ cương quyết, thẳng thắn là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, hãy kiểm soát lời nói trong phạm vi cho phép, tránh kích thích, tránh dùng lời lẽ “sâu cay”. Cách diễn đạt cũng cần phải rõ ràng, tránh nói úp mở, bóng gió khiến người khác hiểu sai nghĩa.

Ngoài ra, bạn tuyệt đối đừng phê bình cấp dưới trong lúc nóng giận vì dễ rơi vào tình huống không kiểm soát được lời nói. Hãy chú ý đến biểu cảm của mình từ ánh mắt, động tác. Hãy để cấp dưới thấy rằng bạn thực sự nghiêm túc và những phê bình của bạn chỉ nhằm mục đích “sửa sai”.

Tuyệt chiêu “vừa đấm vừa xoa”

Viên thuốc đắng thường được bao bọc bên ngoài bằng một lớp đường cho dễ uống. Trước khi phê bình người khác hãy dành cho họ một số từ ngữ tốt đẹp để họ cảm nhận được vị “ngòn ngọt” chẳng hạn “Thời gian qua anh/ chị đã vất vả rồi; Tôi nhìn thấy được sự cố gắng và thiện chí của anh/ chị”..

Đây chính là nghệ thuật vừa đấm vừa xoa mà một vị sếp tâm lý đôi lúc cần áp dụng. Với cách thức “thêm đường” vào lời góp ý này chắc chắn cuộc nói chuyện của bạn sẽ khởi đầu một cách nhẹ nhàng, không khí bớt phần căng thẳng hơn rất nhiều đấy.

Tuy nhiên, nên nhớ những câu “rót mật vào tai” cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải, đừng để “lời ngọt lọt đến xương” sau đó lại cho đối phương một vố đau thì mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn là việc bắt đầu bằng một “gáo nước lạnh”.

Cân nhắc việc phê bình công khai

Ai cũng muốn nhận được những lời khen công khai nhưng khó lòng vui vẻ trước lời phê bình trước tất cả đồng nghiệp. Đừng cố tỏ vẻ là vị sếp “ngầu”, thay vào đó hãy là vị sếp tâm lý. Hãy cân nhắc việc khiển trách, phê bình cấp dưới công khai.

Nếu vấn đề không đến nỗi phải “khua chiêng gióng trống” thì hãy tế nhị gặp riêng, gửi tin nhắn, email… những cách thức nhẹ nhàng vừa thể hiện sự tôn trọng với nhân viên vừa chứng tỏ bạn là người sếp tâm lý, đáng tin cậy mà người tìm việc làm ở Bình Dương hoặc các thành phố lớn khác đều mong muốn có được.

Tránh nhắc lại lỗi lầm cũ

Sai lầm lớn nhất của bạn là luôn nhắc lại cái sai của người khác hoặc gộp những lỗi sai lần trước để phê bình luôn một thể. Việc cứ khơi lại sai lầm cũ của nhân viên chỉ khiến họ cảm thấy bạn là người có tính “thù dai” hay “để bụng” mà thôi. Do vậy, hãy chỉ nói về sai lầm hiện tại và cảnh báo nhẹ nhàng những lỗi có thể xảy ra trong tương lai chứ đừng đào lại quá khứ để phê bình.

Đánh kẻ chạy đi đừng đánh người chạy lại

Có hai trường hợp sẽ xảy ra sau cuộc phê bình đầy thiện chí của bạn.

Trường hợp 1: Nhân viên biết nhìn nhận sai lầm và nghiêm túc sửa sai. Lúc này bạn đã áp dụng thành công nghệ thuật phê bình. Việc cần làm còn lại là cố gắng chỉ điểm phương hướng, cách thức giúp nhân viên sửa sai.

Bên cạnh đó, hãy động viên, khích lệ tinh thần kịp thời để nhân viên nhanh chóng lấy lại phong độ làm việc. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, thành quả của bạn nhận được không chỉ có thêm một nhân viên hiểu chuyện, mà cũng mặc nhiên trở thành vị sếp có tâm, có tầm.

Nhưng nếu không may mắn rơi vào trường hợp 2: Mặc dù bạn đã đầy thiện chí, chân thành khi góp ý mà nhân viên đó vẫn để ngoài tai, không có động thái sửa chữa. Với cương vị của một người quản lý bạn không thể tránh khỏi việc phải tiếp tục phê bình lần 2, lần 3… Lúc này, những biện pháp phê bình lẫn thái độ cần phải cứng rắn, dứt khoát hơn.

Nếu vẫn không thể cải thiện được tình hình thì việc có những hình thức kỷ luật và hình phạt đi kèm là vô cùng cần thiết. Nên nhớ ở cương vị là người “thủ lĩnh”, việc để nhân viên đi chệch khỏi nguyên tắc, kỷ cương bạn sẽ phải chịu một phần trách nhiệm liên đới.

Có thể thấy việc phê bình cấp dưới không hề đơn giản và cũng không thể áp dụng chung một nguyên tắc cho nhiều người. Là một vị sếp bản lĩnh phải biết tùy cơ ứng biến, linh hoạt vận dụng thì việc phê bình mới đạt hiệu quả, nếu không sẽ phản tác dụng. Hy vọng những bí quyết mà bài viết chia sẻ đã cho bạn cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề khá nhạy cảm này.

                                                                                                                 Mai Hương