5 mẹo giúp sinh viên năm cuối ghi điểm khi phỏng vấn

0
40

Khác với người có thời gian làm việc lâu năm, sinh viên năm cuối sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong vòng phỏng vấn. Tuy nhiên những người có năng lực, thông minh và khéo léo sẽ biết phát huy điểm mạnh đặc biệt của bản thân để ghi điểm. Nếu bạn sắp tốt nghiệp và chuẩn bị tham dự một cuộc phỏng vấn sau khi đã nộp hồ sơ cho các việc làm mới nhất thì nên tham khảo một số thông tin hữu ích sau.

Thể hiện tốt kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp rất quan trọng, đặc biệt trong công việc đòi hỏi sự tương tác cao giữa mọi người với nhau như với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác… Trong một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ quan sát rất kĩ đến phong cách giao tiếp và thái độ ứng xử của ứng viên.

Để đạt hiệu quả, bên cạnh nội dung trình bày, bạn cũng cần chú ý đến nét mặt tự tin, vui vẻ, cử chỉ chừng mực, cách nói chuyện về cả ngôn từ và âm điệu vừa phải dễ nghe, không quá vồ vã hay quá khích nhưng cũng không rụt rè, nói quá nhỏ.

Cũng cần lưu ý tốt nhất nên sử dụng từ ngữ phổ thông. Ngoài ra, với một sinh viên sắp tốt nghiệp, trước mắt là cả thế giới mà bạn cần phải học hỏi và trải nghiệm, vì vậy thay vì chứng tỏ mình là người sành sỏi bạn nên giữ sự khiêm nhường và tâm thế của người sẵn sàng đón nhận những thử thách để bản thân ngày càng tốt hơn.

Phong cách bên ngoài

Rất nhiều sinh viên mới ra trường mắc sai lầm khi nghĩ rằng nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến học vấn, kĩ năng và kinh nghiệm của ứng viên. Thực tế là ngoại hình khá quan trọng. Nó là một yếu tố tác động đến ý nghĩ, cảm tình của người khác về bạn. Đó là lí do những người đã có thời gian làm việc lâu năm thường chuẩn bị trang phục rất chỉn chu và phù hợp với tính chất công việc.

Do đó là một người mới ra trường, bạn nên quan sát những người trong ngành cách họ chuẩn bị về trang phục, phụ kiện, kiểu tóc, phong cách trang điểm (nếu là nữ giới). Điều này chứng tỏ bạn có sự hiểu biết và mong muốn học hỏi một cách nghiêm túc.

Đề cập đến thành tích học tập

Hầu hết nhà tuyển dụng đã đọc hồ sơ và biết rằng bạn là sinh viên năm cuối, có nghĩa là thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên họ vẫn muốn cho bạn cơ hội vì nhiều lí do, có thể là CV của bạn tạo được ấn tượng tốt hoặc kinh nghiệm không phải là yếu tố quyết định cần có của công việc này.

Do đó, bạn đừng ngại ngần thừa nhận mình thiếu kinh nghiệm. Chỉ là bạn không nên nhấn mạnh điểm yếu này mà thay vào đó khéo léo đề cập nhiều hơn đến ưu điểm của bản thân như thành tích học tập tốt, kiến thức và kỹ năng đảm bảo cho việc đảm nhận vị trí mới tốt.

Những công việc ngắn hạn đã từng tham gia

Bạn nên đề cập đến một vài công việc ngắn hạn bạn đã làm trong khi còn đi học. Đó có thể là việc liên quan đến chuyên ngành học hoặc không nhưng ít ra nó giúp bạn học được thêm một số kỹ năng có ích. Chẳng hạn như “Tôi đã từng là nhân viên bán hàng bán thời gian tại siêu thị, nhờ khoảng thời gian này tôi đã rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp tốt, cách tương tác với khách hàng về giới thiệu sản phẩm hoặc chăm sóc khách hàng tốt hơn”.

Có mục tiêu rõ ràng và bạn đã lên kế hoạch cụ thể để thực hiện

Sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn thuộc tuýp ứng viên có mục tiêu rõ ràng và biết lập kế hoạch cụ thể, từng bước cho việc thực hiện. Khi được hỏi về mục tiêu của bản thân, bạn đừng ngại ngùng mà hãy chia sẻ và khéo léo rằng mình đang bắt tay ngay vào thực hiện chứ không chỉ là mục tiêu “trên giấy”. Một người biết mình cần phải làm gì thường sẽ thuộc kiểu chủ động, quyết đoán và lời nói đi đôi thực hành. Nhờ đó trong công việc họ sẽ đạt năng suất cao hơn.

Sự tự tin và thái độ sống tích cực

Với một người làm việc hiệu quả, bên cạnh kiến thức, kỹ năng là sự tự tin và thái độ sống tích cực. Làm việc ở bất kì nơi đâu, trong môi trường nào, người lạc quan và chan hòa sẽ làm việc hiệu quả và năng suất hơn. Ngược lại người hay phàn nàn và bi quan sẽ tạo năng lượng xấu cho người xung quanh.

Do đó, khi bước vào vòng phỏng vấn bạn nhất thiết phải thể hiện cho người đối diện thấy sự vui vẻ, cởi mở và đơn giản hóa vấn đề. Hãy để cho họ thấy bạn chính là nguồn năng lượng mới tích cực, sẵn sàng gắn kết và trở thành một thành viên tiềm năng với các đồng nghiệp mới, luôn tự tin và tìm giải pháp cho các vấn đề thay vì ngồi than vãn.

Nhiệt huyết và tận tâm trong công việc

Với một ứng viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ cho điểm cộng nếu như nhận thấy bạn là một người nhiệt huyết, thật tâm trong phong cách làm việc. Do đó nếu muốn tạo được dấu ấn tốt, bạn cần thể hiện khéo léo sự nhiệt tâm của mình qua thái độ nghiêm túc, đầu tư cho công việc mới. Chẳng hạn như sẵn sàng làm thêm giờ, không ngại các chuyến đi, di chuyển linh hoạt hoặc làm việc theo sự điều chuyển khi cần thiết.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên toàn diện về mọi mặt chứ không chỉ là kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn là sinh viên năm cuối và chưa phải là “người trong ngành” thì cũng không nên cảm thấy thua thiệt, thiếu tự tin. Ngược lại hãy thể hiện khéo léo những ưu điểm đặc biệt của bản thân. Một người thông minh và khéo léo sẽ biết phải “tiếp thị” điều gì đến với nhà tuyển dụng để tạo điểm cộng tuyệt đối. Chúc bạn thành công!

Đặng Hảo