Tiết kiệm khi phải tổ chức cưới ba nơi

0
1891

Với trường hợp cô dâu chú rể quê ở hai tỉnh thành khác nhau, lại cùng làm việc tại Hà Nội thì phải tổ chức cưới làm 3 lần, rất tốn kém.


Trong nhiều đám cưới, phần lễ vật cũng gây tốn kém không ít. 

Hiện nay, việc tổ chức đám cưới ở quê nhà là điều cần thiết vì đám cưới không chỉ dành cho bạn bè mà còn là dịp gặp gỡ, ngày vui trọng đại của gia đình, họ hàng. Cũng vì lý do này, nhiều đôi uyên ương phải “chạy sô”, vừa tổ chức đám cưới ở nhà trai và nhà gái, sau đó lại phải lên thành phố tổ chức một bữa tiệc báo hỷ cho bạn bè cơ quan. Nếu không cân nhắc kỹ, chi phí cho hôn lễ có thể lên tới cả trăm triệu đồng, trở thành gánh nặng cho các đôi uyên ương.

1. Đám cưới ở quê nhà

Vấn đề đặt ra:

Ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đám cưới là dịp làm cỗ mời họ hàng, làng xóm đến dự, chung vui với gia đình đôi uyên ương. Tuy nhiên suy nghĩ này đôi khi lại gây ra những phiền phức. Độc giả Thu Hiền, quê tại Thái Bình, lấy chồng tại Thanh Hóa, chia sẻ với báo Ngôi Sao, tiệc cưới của hai vợ chồng cô được tổ chức riêng tại nhà trai và nhà gái, gia đình cô tổ chức tới hơn 70 mâm. Chồng Hiền là con trai trưởng trong nhà nên đám cưới càng được tổ chức quy mô hơn, nhà trai đặt khoảng 100 mâm cỗ, ăn tiệc tới hai ngày đêm. Mỗi mâm cỗ có giá 700.000 đồng đã bao gồm đồ uống, nên toàn bộ chi phí cho tiệc cưới của Hiền hết khoảng 120 triệu đồng.

Ở một các tỉnh thành khác, mỗi mâm tiệc cưới có giá ít nhất từ 500.000 đồng nên nếu làm 100 mâm cho hai gia đình, chi phí cũng từ 50 triệu, chưa kể các chi phí khác trong đám cưới. Số tiền này đều do cô dâu chú rể tiết kiệm hoặc cha mẹ hai bên cố gắng vay mượn để tổ chức đám cưới.

Biện pháp khắc phục:

– Cô dâu chú rể nên thuyết phục cha mẹ hai bên thu nhỏ quy mô đám cưới. Mỗi gia đình nên mời tối đa 300 khách, tương đương 50 mâm tiệc, như vậy là vừa đủ với mỗi nhà. Với những gia đình trung lưu, phải vay mượn để tổ chức cưới thì sau đám cưới, đôi uyên ương có thể phải lo lắng tới việc trang trải chi phí tiệc, gây ảnh hưởng tới cuộc sống hạnh phúc của hai người.

– Ngoài ra, còn có cách chọn thực đơn cưới vừa phải, phù hợp, không chọn quá nhiều hay chọn món ăn sang trọng mà chủ yếu cân nhắc các món phổ biến, dễ ăn đối với mọi người.

– Việc lựa chọn đồ uống trong tiệc cũng là điều quan trọng, không nên đưa ra quá nhiều đồ uống có cồn, vừa có thể làm mất không khí vui vẻ, vừa gây tốn kém.

– Nếu không thể cắt giảm số lượng khách, đôi uyên ương nên giảm chi phí ở các phần việc khác như không yêu cầu mâm quả, lễ vật cầu kỳ, đắt tiền, giảm bớt tiền trang trí, trang phục, trang điểm hay chụp ảnh cưới.


Việc giảm bớt đồ uống hay số lượng món ăn cũng khiến tiệc tiết kiệm hơn. 


2. Đám cưới dành cho bạn bè

Vấn đề đặt ra:

Với những đôi uyên ương có quê hương cách xa thành phố nơi làm việc hàng trăm kilomet thì việc mời bạn bè về nhà dự tiệc cưới là điều không đơn giản. Vì vậy, sau khi tổ chức đám cưới ở quê, cô dâu chú rể lại lo lắng đến một lễ cưới dành cho đồng nghiệp, bạn bè trên thành phố. Nếu là người quảng giao, quen biết rộng, đám cưới dành cho bạn bè cũng phải mời từ 50 khách trở lên. Bên cạnh đó, chi phí thuê địa điểm, đặt tiệc cưới trên thành phố lại đắt đỏ hơn, gây tốn kém.


Một số quán cafe đồng ý tổ chức tiệc ngọt dành cho đám cưới với giá cả hợp lý.


Biện pháp khắc phục:

– Nếu quyết tâm tổ chức đám cưới lần thứ ba, đôi uyên ương có thể cân nhắc thuê những địa điểm của phường xã tại nơi làm việc, sinh sống như nhà văn hóa, sân vận động… để tổ chức tiệc, sau đó thuê người nấu cỗ tới bày tiệc ngay tại đó. Cách làm này sẽ ít tốn kém hơn việc đặt tiệc tại khách sạn, nhà hàng.

– Ngoài ra, cô dâu chú rể có thể nhờ tới công đoàn công ty, tổ chức một bữa tiệc ngay tại nơi làm việc để mời đồng nghiệp cùng chia vui.

– Nếu điều kiện kinh phí có hạn, cô dâu chú rể nên nghĩ đến việc tổ chức tiệc ngọt tại quán cafe, như một dịp để gặp gỡ, báo hỷ với bạn bè. Địa điểm tổ chức có thể là quán cafe.

– Thêm một cách cho các đôi uyên ương, đó là cô dâu chú rể chuẩn bị sẵn hoa quả, bánh kẹo mang đến công ty chia vui cùng đồng nghiệp và mời một nhóm bạn thân thiết tới nhà tổ chức ăn uống tại gia, vừa để chúc mừng hạnh phúc vừa để mừng nhà mới nơi hai người về sống chung.

Đám cưới là dịp vui trọng đại hiếm có trong cuộc đời nhưng các đôi uyên ương cũng nên cân nhắc sao cho tổ chức tiết kiệm nhất, để sau này không phải lo lắng thanh toán những chi phí còn lại mà chỉ chú tâm vào xây dựng cuộc sống hạnh phúc bên nhau.

Sam Sam