Chăm sóc khi bé sốt cao kèm theo co giật

0
73
Các bậc cha mẹ nên xử lý thế nào khi bé bị sốt cao kèm theo co giật?

 

Co giật do sốt cao thường gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 6 tháng tới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi do hệ thần kinh của trẻ ở tuổi này còn non yếu. Chứng co giật do sốt cao này có thể gây nguy hiểm hoặc gây di chứng cho trẻ nếu không xử lý kịp thời. Cơn co giật có hại cho cơ thể và bộ não của trẻ do thiếu oxy não, nhất là các cơn co giật kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần.

 

 

Triệu chứng thường gặp

 

– Nhiệt độ tăng lên đột ngột, thường trên 39oC.

 

– Trước khi có hiện tượng co giật, mặt trẻ thường tái đi, mê man, nói lảm nhảm hoặc rên rỉ, cứng người, mắt trợ ngược. Mấy giây sau, hiện tượng co giật xuất hiện ở mặt, chân tay, ít khi kéo dài quá 10 phút. Sau cơn co giật trẻ thường ngủ, nhưng nếu đánh thức thì trẻ tỉnh dậy, không li bì hay mê man.

 

– Trong gia đình thường có người có tiền sử sốt cao co giật.

 

– Trong các trường hợp nhẹ thường khó nhận thấy các cơn co giật vì trẻ chỉ cứng người hoặc giật chân tay, mặt tái trong một thời gian ngắn. Thay vào hiện tượng mê man, có lúc trẻ như không nghe, không nhìn, không cảm thấy mọi vật xung quanh. Triệu chứng rõ nhất lúc này là mắt trợn ngược.

 

Cách xử lý

 

 

Tốt nhất là bạn nên gọi bác sĩ đến nhà. Nếu không có điều kiện gọi bác sĩ đến nhà, bạn cũng nên cho trẻ đi cấp cứu khi đã hết cơn co giật, đưa trẻ đi ngay trong lúc đang giật dễ gây nguy hiểm cho trẻ. Trong lúc bác sĩ chưa có mặt, cần giữ thái độ bình tĩnh và làm một số việc sau để nhiệt độ của trẻ hạ xuống.

 

– Cởi khuy áo nới rộng hoặc bỏ bớt quần áo, không quấn hoặc ủ ấm cho trẻ.

 

– Nhanh chóng đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát, đề phòng trẻ rơi ngã hoặc va đập đầu vào những vật cứng. Người lớn nên ngồi ngay cạnh trẻ nắm tay trẻ để trẻ đỡ sợ.

 

– Dùng khăn nhúng vào nước mát lau khắp mình trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán; cần lau lại nhiều lần cho đến khi trẻ hết giật.

 

– Dùng thuốc hạ nhiệt loại thông thường mà bé thường dùng, theo đúng liều lượng bác sĩ kê cho, lúc này tốt nhất là dùng viên dạng nhét hậu môn vì cho trẻ uống lúc này rất khó và dễ gây sặc.

 

– Đợi khi trẻ ngừng cơn co giật thì lật trẻ nằm nghiêng sang một bên ngay, đầu hơi ngửa ra sau (tư thế an toàn) để nếu trẻ có nôn, chất nôn sẽ ra ngoài mà không vào đường thở gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

 

– Nếu không có bác sĩ đến nhà thì ngay sau cơn co giật nên cho bé đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm giúp cho việc chẩn đoán bệnh cũng như các tổn thương do cơn giật gây ra nếu có.

 

 

Những điều không nên làm khi trẻ đang bị co giật và có sốt cao

 

– Không nên tìm cách chống cơn giật bằng cách giữ người trẻ, vì rất dễ gây tổn thương bộ phận, gãy xương trẻ.

 

– Không được cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ vì trẻ sẽ sặc vào phổi.

 

– Không được dùng vật cứng ghì ngang miệng trẻ, vì rất ít khi trẻ cắn phải lưỡi (nếu có cắn cũng không nguy hiểm gì) mà rất dễ gãy răng, sứt lợi, tổn thương niêm mạc miệng do vật cứng.

 

– Không được ủ kín trẻ.

 

Phòng tránh co giật

 

– Cha mẹ nên cho con đi khám ngay khi thấy có hiện tượng bất thường như đã nêu trên, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5oC.

 

– Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều lần hơn bình thường khi trẻ bị sốt.

 

– Ngoài ra, đối với trẻ đã bị co giật hoặc có nguy cơ bị co giật, bác sĩ thường cho dùng thuốc chống co giật. Với trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao thì việc phòng co giật phải được áp dụng cho đến khi trẻ ngoài 5 tuổi.

 

– Cơn co giật của trẻ thường gây ấn tượng mạnh cho cha mẹ và người thân. Tuy vậy, khi cơn đã quan đi thì phần nhiều trẻ đều trở lại trạng thái bình thường.

 

 

Sốt cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ, nhất là khi đã kèm theo co giật thì ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe thì trí não của trẻ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, ngay khi trẻ bị sốt thì phụ huynh cần chú ý hạ sốt cho trẻ càng nhanh càng tốt và bằng mọi cách, nhưng khi muốn sử dụng thuốc nhất định phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi thấy trẻ sốt cao khó hạ thì tốt nhất hãy nhanh chóng cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hạn chế tối đa việc để trẻ bị co giật trong cơn sốt.

 

 

Chăm sóc khi bé sốt cao kèm theo co giật

 

Theo NTD