Bệnh sởi và các giai đoạn diễn biến của bệnh

0
22
Sởi là một một bệnh lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và thường xảy ra vào mùa xuân. Bệnh do một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae. Hiện nay sởi đang bùng phát thành dịch và tập trung nhiều ở các tỉnh thành phía Bắc, đã có nhiều trẻ tử vong vì bệnh do sởi biến chứng vào phổi và những biến chứng muộn gây viêm màng não.

 

Nguyên nhân gây bệnh

 

Nguyên nhân gây bệnh là virus sởi. Đây là một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae. Hiện nay người ta chỉ phát hiện một tuýp huyết thanh virus sởi. Virus có thể hoạt động sau khi để 34 giờ ở nhiệt độ phòng.

 

Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.

 

Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.

 

 

Triệu chứng

 

Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng sau đây có thể xẩy ra:

 

– Sốt
– Ho khan
– Chảy nước mũi
– Mắt đỏ
– Không chịu được ánh sáng
– Những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik.
– Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau

 

Diễn biến của bệnh

 

Sởi biểu hiện trên lâm sàng qua 4 giai đoạn:

 

Giai đoạn ủ bệnh

 

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày là thời gian từ khi trẻ bị nhiễm virus. Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh.

 

Giai đoạn khởi phát

 

Giai đoạn khởi phát thường kéo dài 5 đến 15 ngày được đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban xuất hiện.

 

Nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Nội ban xuất hiện ở khẩu cái cứng hoặc khẩu cái mềm (vòm họng). Hạt Koplik là những hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ. Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng.

 

Người bệnh thường có ho khan tức ho không có đàm. Đôi khi giai đoạn khởi phát biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi.

 

Giai đoạn toàn phát

 

Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 đến 48 giờ.

 

Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, ban thường đứng gần nhau nhưng riêng rẽ.

 

 

Trong trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau làm thành những ban lớn hơn, thậm chí từng mảng xuất huyết (sởi đen). Trong thể đặc biệt nặng, ban có thể có dấu hiệu xuất huyết.

 

Giai đoạn lui bệnh (giai đoạn ban bay)

 

Khi ban lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó ban cũng nhạt dần và mất đi đúng theo tuần tự nó đã xuất hiện.

 

Thường vào ngày thứ 6 ban bắt đầu bay. Ban bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phân hay vảy cám.

 

Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” đó là dấu hiệu để   chẩn đoán. Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng.

 

Biến chứng của bệnh

 

Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản-phổi.

 

Biến chứng thần kinh: Viêm não – màng não – tủy cấp, viêm màng não, viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (van bogaert)

 

Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam mã tấu (noma), viêm ruột

 

Biến chứng tai – mũi – họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai – viêm tai xương chũm

 

Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh như lao, bạch hầu, ho gà….

 

Điều trị và phòng bệnh

 

Điều trị

 

Chủ yếu là điều trị triệu chứng – săn sóc và nuôi dưỡng.

 

– Hạ sốt: phương pháp vật lí, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).

– An thần.

– Thuốc ho, long đờm

– Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen.

– Sát trùng mũi họng: nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…

– Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.

– Khi có biến chứng: viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.

– Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở O2, hô hấp hỗ trợ…) hồi sức tim mạch…

– Chế độ ăn uống tốt.

 

Phòng bệnh

 

– Gramma globulin 40mg/kg dùng phòng bệnh khẩn cấp cho trẻ suy dinh dưỡng, hoặc trẻ đang bị một bệnh khác… mà có tiếp xúc với trẻ bị sởi.

 

 

– Vacxin sởi: vacxin sống, giảm độc lực dùng cho trẻ 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao. Vacxin sởi là một vacxin bắt buộc trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, hiện nay tỷ  lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do sởi đã giảm nhiều.

 

Trong đợt bùng phát dịch sởi này đã có nhiều trẻ tử vong do sởi biến chứng. Vì thế cha mẹ cần chú ý chăm sóc con em mình, tránh cho các bé tập trung ở những nơi đông người. Đặc biệt là cần phải cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, khi trẻ bị bệnh cần điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và cách ly trẻ với các trẻ khác tránh việc lây lan bệnh.

Theo NTD

Bệnh sởi và các giai đoạn diễn biến của bệnh

 

Theo NTD