Tàu tuần tra lớn nhất của CSB Việt Nam xuất kích

0
131

Tàu tuần tra đa năng cỡ lớn nhất mang số hiệu CSB 8001 đã ra khu vực biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trái phép.

Tờ Thanh Niên ngày 11/5 dẫn lời đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, tàu CSB 8001 là con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của lực lượng CSB Việt Nam.

Tàu sử dụng loại đa năng vỏ thép, kết cấu hàn, dài 90 m, rộng 14 m, vận tốc tối đa hơn 21 hải lý/giờ, có thể chở 120 người, có sàn đỗ cho máy bay trực thăng 14 tấn và các trang thiết bị đồng bộ. Bên cạnh đó, tàu có khả năng kéo tàu khác với lượng giãn nước đến 2.200 tấn.

Tàu đa năng CSB 8001 đã được điều đến nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép

Tàu đa năng CSB 8001 đã được điều đến nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép

Thông tin cho hay, tàu tuần tra CSB 8001 ra để tăng cường thêm cho lực lượng chấp pháp của ta tại vùng biển chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang xâm phạm.

Cũng theo ông Thu, từ thời điểm Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm ngư kiên quyết giữ vững chủ quyền, ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Đến nay, lực lượng chấp pháp của ta tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vẫn cơ bản giữ nguyên đội hình đấu tranh.

Có mặt trước đó nhằm ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc, tàu CSB 8003 của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được coi là tàu lớn thứ hai (chỉ sau tàu 8001).

Tàu 8003 là con tàu có kích thước lớn nhất. Thông số kỹ thuật của tàu CSB 8003: chiều dài lớn nhất: 81,5m, chiều dài giữa 2 đường vuông góc: 75,0m, chiều rộng lớn nhất: 9,8m, chiều cao mạn: 5,8m, mớn nước đầy tải: 3,0m, lượng giãn nước đầy tải: 1.400 tấn. Công suất máy chính: 3.888Kw x 02, tốc độ thiết kế lớn nhất: 20,7 hải lý/giờ.

Tàu được trang bị nhiều thiết bị hàng hải hiện đại, vũ khí trên tàu có 2 pháo nòng đôi cỡ 25mm cùng các súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm. Cùng nhiều tàu CSB, tàu tuần tra khác của Việt Nam cũng có mặt làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Trong khi thực thi nhiệm vụ, đã có một số tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc hung hãn tấn công. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, đến nay, chưa có tàu nào của Việt Nam chủ động đâm vào tàu Trung Quốc.

Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của ta chủ yếu vẫn đấu tranh bằng tuyên truyền pháp lý. Qua đó khẳng định với các lực lượng Trung Quốc đang xâm phạm trái phép rằng đây là vùng biển của Việt Nam, yêu cầu phía Trung Quốc phải dừng ngay việc ngăn cản hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng chức năng Việt Nam, rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Thiếu tướng Đạm cũng khẳng định lại, các biện pháp, phương pháp ngăn chặn, cản phá việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 của Cảnh sát biển Việt Nam đều mang tính chất tự vệ chính đáng, tôn trọng hòa bình, kiềm chế, lấy tuyên truyền là chính, tránh va chạm để hạn chế thương vong, tổn thất có thể xảy ra.

Tại diễn biến khác, ngày 10/5, hai tàu Cảnh sát biển 2012 và 4033 của Việt Nam, bị hư hại do tàu Trung Quốc đâm khi ngăn cản Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, đã được các kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa các hư hại.

Hiện hai tàu này đã có thể sẵn sàng lên đường ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.



Mai Duyên (st )