Muốn hết lạm thu, phải bỏ ban phụ huynh?

0
202

Để hạn chế tình trạng lạm thu hiện nay nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh vì thực tế, đây chỉ là bộ phận nối dài cánh tay giữa một nhóm lợi ích của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học trong việc đưa ra các khoản thu vô lý.


Trao đổi với PV, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT nêu quan điểm hạn chế việc lạm thu hiện nay. Theo TS Tiến lạm thu trong trường học hay những khoản thu vô lý là vấn đề “nóng” mỗi khi năm học mới đến. Việc lạm thu ở một số trường học công lập là do đa phần phụ huynh phải chạy theo đề xuất của một số nhóm phụ huynh có điều kiện về kinh tế.

Để khắc phục tình trạng này, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là nên bỏ Ban đại diện cha mẹ HS vì thực tế, đây chỉ là bộ phận nối dài cánh tay giữa một nhóm lợi ích của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học trong việc đưa ra các khoản thu vô lý. Thứ hai, nếu Bộ GD-ĐT vẫn để Ban đại diện cha mẹ HS tồn tại thì phải có cơ chế kiểm soát hoạt động của họ.  Cần có cơ chế giám sát và sử dụng các khoản thu chi rõ ràng…

Ngoài việc phải kiểm soát hoạt động của Ban đại diện cha mẹ, nếu xét thấy các trường phải thu thêm tiền đầu tư xây dựng trường, lớp thì Hội đồng nhân dân tỉnh, thành cần quy định rõ ràng, cụ thể, chỉ thu 1 lần và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Kèm theo đó, cần có quy định cụ thể trong việc xử phạt tổ chức, cá nhân tự ý đặt ra các khoản thu hoặc ấn định mức thu ngoài học phí không đúng quy định. Các cơ sở giáo dục địa phương phải mạnh tay trong việc quản lý những khoản thu sai và giao trách nhiệm đó cho những người đứng đầu cơ sở trường và lớp học.

Theo ông Thống, để hạn chế tình trạng lạm thu hiện nay điều quan trọng cần có sự lên tiếng của phu huynh học sinh


Còn ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội lại nêu quan điểm: Năm học mới 2013-2014, các khoản thu, chi trong các trường học được tiến hành theo 2 khoản: học phí và ngoài học phí. Các trường trên địa bàn thành phố tiếp tục thu học phí theo Quyết định 22 của UBND thành phố và Hướng dẫn của liên Sở GD-ĐT, Tài chính, Lao động Thương binh & Xã hội về việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo cơ chế thu và sử dụng các khoản học phí thuộc các cơ sở giáo dục quốc dân.

Đối với các khoản thu khác trong nhà trường, bắt đầu từ năm học này, HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu có văn bản hướng dẫn thu khác. Văn bản này sẽ do UBND thành phố ban hành dựa theo đề xuất của Sở GD-ĐT và Sở Tài chính.

Theo đó, đối với khoản thu thỏa thuận, các trường phải tổ chức họp bàn với cha mẹ học sinh để trình bày dự toán chi và dự kiến mức thu, các khoản thu, chi phải công khai, minh bạch. Để kiểm tra việc thu, chi tại các trường học, Sở GD-ĐT tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất xuống kiểm tra các đơn vị. Nếu phát hiện trường nào thu không đúng quy định và không được sự đồng tình của phụ huynh, thì sẽ bị xử lý.

Theo ông Thống, Sở đã có văn bản hưởng dẫn thực hiện các khoản thu-chi trong trường học. Trong đó nêu rõ, các trường học không tự đặt ra các khoản thu. Đối với những khoản thu tự nguyện thì phải đảm bảo nguyên tắc thực sự đóng góp tự nguyện của các bậc cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ tổ chức họp tất cả phụ huynh trong trường và lớp để thống nhất về những khoản thu một cách hợp lý. Còn đóng hay không là quyền của phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh nào không đồng tình với những yêu cầu, khoản thu nào đó thì được quyền từ chối.

 “Trong những năm gần đây, tình trạng lạm thu đã gây nên bức xúc trong xã hội. Trong các đợt thanh tra, chúng tôi đều nhận được lời giải thích của nhiều trường học và Ban đại diện cha mẹ học sinh đối với các khoản thu là muốn chia sẻ những khó khăn đối với trường học như: mắc thêm quạt trần hay những vật dụng khác phục vụ cho trường, lớp học…” – ông Thống cũng bức xúc.

Để khắc phục tình trạng lạm thu, năm nay, tất cả lực lượng thanh tra của Bộ, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với những khoản thu ở tất cả đơn vị trường học. Nơi nào có sai phạm thu, chi thì sẽ bị xử lý. Vào đợt xét thi đua năm học, nếu cơ sở giáo dục nào mắc sai phạm thì Sở GD-ĐT sẽ cắt thi đua của đơn vị đó.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học không được thu tất các khoản tiền từ đầu năm. Việc làm này nhằm giảm sức ép đối với phụ huynh, đặc biệt là những gia đình khó khăn. Phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện và đứng lên phản ánh những sai phạm tại trường, lớp học. 

Tuy nhiên, cơ chế nào để họ có thể tự tin nói lên sự thật và đưa ra quan điểm của mình? Đây là những câu hỏi lớn và là bài toán khó đối với ngành giáo dục và phụ huynh học sinh.

Luu