5 điều nhất định phải biết khi xin nghỉ việc

0
67

Xin nghỉ việc là một hành động cần sự cân nhắc cũng như chuẩn bị kỹ càng. Khi phải đứng trước quyết định quan trọng này, nhiều người thường cảm thấy bất an, thậm chí có những hành động vội vàng có thể gây bất lợi cho chính bản thân. 5 lời khuyên hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn hành động đúng đắn.

Không nên kể lể với đồng nghiệp

Những người đồng nghiệp có thể coi là những người bạn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cho dù đó là những người bạn yêu mến ở công ty thì bạn cũng không nên kể hết dự định nhảy việc của mình cho họ nghe. Không ai chắc chắn rằng sau đó, họ vẫn luôn là bạn tốt của bạn hay sẽ trở thành một người “thảo mai”, khéo léo trước mặt sếp và đồng nghiệp khác và đi kể lể khắp nơi. Chắc chắn, sếp bạn cũng sẽ không thấy vui vẻ khi biết nhân viên của mình muốn nghỉ việc mà chưa nói với họ. Còn đồng nghiệp cũng sẽ tò mò và hỏi bạn đủ chuyện.

Để tránh việc này bị tiết lộ trước khi bạn muốn công khai, hoặc tránh việc người khác đánh giá thái độ của bạn thì tốt nhất hãy giữ kín ý định này đến khi nào bạn có quyết định chính thức cho bản thân mình.

Chọn thời điểm xin nghỉ phù hợp

Thử tưởng tượng nếu bạn xin nghỉ việc đúng thời điểm công ty đang gặp khó khăn về nhân sự, dự án còn đang thực hiện dở dang thì sẽ như thế nào? Nhà quản lý sẽ không muốn nhân viên của mình buông tay đúng lúc công ty cần họ nhất; đồng nghiệp cũng cảm thấy khó khăn khi thiếu đi một người cộng sự ăn ý, và bạn cũng sẽ không thoải mái với chính bản thân mình. Nếu sau này đi phỏng vấn, chẳng may nhà tuyển dụng biết được việc bạn đã rời công ty trong lúc khó khăn, họ cũng sẽ có những đánh giá thiếu thiện cảm về bạn.

Đồng thời, bạn cũng không nên nghỉ việc vào thời điểm bạn đang gặp khó khăn trong công việc. Đó là thời điểm nhạy cảm và dễ gây tai tiếng nhất.

Khi xin nghỉ việc, hãy xem xét hoàn cảnh của mình và chọn ra thời điểm mà bạn cảm thấy phù hợp nhất. Đó có thể là lúc công việc được hoàn thành gần xong, nhân sự đã ổn định mọi vị trí, bạn cũng thực hiện xong dự án của mình… Chắc chắn khi này sẽ không ai có thể trách móc bạn, đồng thời bạn vẫn giữ được mối liên hệ tốt với công ty cũ và người quản lý sẽ sẵn sàng đứng về phía bạn với vai trò là người tham khảo khi bạn tìm việc làm tiếp theo.

Hãy có những lý do nghỉ việc hợp lý

Rất nhiều người nghỉ việc một cách cảm tính, nói nghỉ là kiếm bừa một lý do nào đó để nghỉ ngay lập tức mà không suy tính kỹ càng, không suy nghĩ cho người quản lý và đồng nghiệp. Bạn chỉ thật sự nên xin nghỉ việc khi cảm thấy không phù hợp, công việc không đúng với mục tiêu sự nghiệp của bạn hoặc bạn muốn trải nghiệm nhiều hơn, thử thách nhiều hơn sau một thời gian cống hiến.

Những lý do liên quan đến cá nhân và mục tiêu sự nghiệp bạn theo đuổi, hay về môi trường mở ra những cơ hội phát triển sẽ phù hợp hơn là những lý do thể hiện sự khó chịu hoặc gặp rắc rối tại nơi bạn đang làm. Hơn nữa, một lý do hợp lý sẽ giúp bạn giữ được hình ảnh cá nhân, giữ được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người ở công ty cũ. Mọi người sẽ tôn trọng bạn và chính bạn cũng đang tạo cho mình một đường lui về sau.

Làm việc hết mình đến ngày cuối cùng

Sau khi nộp đơn xin nghỉ việc và được phê duyệt, bạn sẽ đến giai đoạn bàn giao công việc. Tuy nhiên, đây là giai đoạn bàn giao chứ không phải là bạn sẽ kết thúc mọi việc ngay sau đó. Hãy tiếp tục hoàn thành những công việc của mình một cách tốt nhất, hoặc hỗ trợ đồng nghiệp bất cứ khi nào có thể để tránh cảm giác bị cô đơn, lạc lõng giữa các đồng nghiệp bận rộn. Tránh mang tâm lý “chuẩn bị là người ra đi” trong thời gian này vì điều này sẽ khiến bạn cảm thấy chán nản và nặng nề khi lên công ty. Đồng thời, nhiệt tình đến ngày cuối cùng cũng giúp bạn để lại ấn tượng tốt đẹp với những người ở lại.

Chỉ nên nghỉ việc khi đã tìm được bến đỗ mới

Tốt nhất, bạn nên chuẩn bị cho mình một bến đỗ mới trước khi nghỉ việc hơn là nghỉ việc rồi mới tìm việc. Bởi việc có 1, 2 tuần để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu công việc mới hoàn toàn hợp lý, thì việc phải ở nhà quá lâu sẽ khiến tinh thần của bạn nhanh chóng đi xuống, chán nản.

Để có thể có ngay việc mới sau khi nghỉ việc, hoặc không rơi vào tình trạng thất nghiệp quá lâu sau khi nghỉ việc, bạn nên cập nhật thị trường tuyển dụng mỗi ngày ngay khi có ý định nhảy việc. Tin tuyển dụng mới luôn được cập nhật hàng ngày trên các trang việc làm như CareerLink… Đừng để mình bỏ sót bất cứ thông tin hữu ích nào về những vị trí bạn đưa vào mục tiêu tiếp theo cho sự nghiệp của mình nhé!

Huyền Nguyễn