Đối thoại Shangri-La 13 nóng nhất trong lịch sử

0
153

Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng quanh các tranh chấp lãnh thổ khu vực và cuộc đối đầu địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương, Đối thoại Shangri-La 13 đã chứng kiến những màn tranh cãi nảy lửa nhất trong hơn một thập kỷ qua.

abe_1401757029.jpg

Bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một trong những điểm nóng của hội nghị năm nay. Ảnh: AFP

Báo Singapore Straits Times chỉ ra 8 điểm khiến diễn đàn kéo dài ba ngày vừa qua ở nước này, với sự tham dự của 450 đại biểu gồm những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quân sự cấp cao và chuyên gia an ninh của châu Á-Thái Bình Dương, trở nên nóng hơn bao giờ hết. 

Nhật Bản muốn vai trò lớn hơn trong khu vực

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là diễn giả chính tại lễ khai mạc diễn đàn hôm 30/5. Ông bày tỏ ý định của Nhật Bản về việc đóng một vai trò lớn và tích cực hơn nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời cam kết ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ lãnh thổ.

Trong bài phát biểu của mình, cũng là phát biểu đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản tại diễn đàn này, ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Dù không chỉ đích danh nước nào, bài phát biểu của ông vẫn được cho là nhắm vào Trung Quốc khi ông liên tục sử dụng ngôn ngữ để cho thấy rằng Tokyo lên án cách hành xử của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ khu vực. 

Mỹ chỉ trích Trung Quốc

Trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La 13, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đăng đàn với những chỉ trích gay gắt Trung Quốc “hành động đơn phương, gây bất ổn” để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trong những phát biểu thẳng thắn khác thường, ông Hagel cảnh báo Washington sẽ không ngồi yên nếu các quy tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức.

Ông cũng lặp lại cam kết của Washington đối với khu vực, nói rằng “tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương là một thực tế” chứ không chỉ là ý định.

Trung Quốc phản pháo

Trong ngày cuối cùng của diễn đàn, trung tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đáp trả Nhật Bản và Mỹ, cáo buộc hai nước này “khiêu khích”. 

Ông Vương tố cáo ông Abe và ông Hagel “song ca” chống lại Trung Quốc, lợi dụng các bài phát biểu để tấn công Bắc Kinh. Những phát biểu đó là “không thể chấp nhận được”, “khiêu khích” và đi ngược lại tinh thần của hội nghị, ông Vương nói.

tq_1401757060.jpg

 Trung tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tố cáo Nhật Bản và Mỹ kết bè kéo cánh chống lại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Căng thẳng Việt – Trung

Cuộc đối đầu trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam là một chủ đề được quan tâm tại Đối thoại Shangri-La lần này. Căng thẳng xuất phát từ một giàn khoan dầu của Trung Quốc được hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng trước và gần đây leo thang khi tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói tại diễn đàn rằng việc đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế là giải pháp cuối cùng và vẫn ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. 

Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, trong khi đó khăng khăng cho rằng Hà Nội và Bắc Kinh phải tự tìm kiếm giải pháp và Washington không nên can thiệp vào vấn đề này. 

Đảo chính tại Thái Lan

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel kêu gọi các lãnh đạo của cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan trả tự do cho những người bị giam giữ, cho phép tự do ngôn luận và tổ chức bầu cử sớm.

Đáp lại, ông Sihasak Phuangketkeow, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, người dẫn đầu đoàn đại biểu nước này, cho hay Bangkok không tách khỏi nền dân chủ. Ông khẳng định Thái Lan đang tiến hành cải cách trước khi bầu cử và kêu gọi các đối tác chiến lược và kinh tế cho họ thời gian.

Bầu không khí căng thẳng

Không khí tại diễn đàn năm nay căng thẳng bất thường do sức nóng của các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông.

Trước đây, các bất đồng luôn được trao đổi một cách từ tốn thì năm nay, các đại biểu không ngại bộc lộ suy nghĩ của mình. Ví dụ, trung tướng Vương Quán Trung đã mô tả những phát biểu của ông Hagel là “đầy chủ nghĩa bá quyền, đe dọa”.

Quan hệ ASEAN-Trung Quốc

Ý định của Thủ tướng Nhật Bản về xây dựng quan hệ an ninh thân thiết hơn với ASEAN sẽ không làm Trung Quốc lo ngại quá nhiều vì nước này có sự gắn kết mạnh mẽ với nhóm các nước Đông Nam Á, các nhà phân tích nhận định.

Ngoài Singapore và Indonesia công khai hoan nghênh động thái của ông Abe thì các nước ASEAN còn lại vẫn chưa lên tiếng.

Một Trung Quốc đang nổi lên

Trong khi các tranh chấp lãnh thổ và mong muốn của Nhật Bản về việc đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực trở thành tâm điểm của hội nghị năm nay, vấn đề cốt lõi vẫn là câu hỏi đâu là cách tốt nhất để thích nghi với một Trung Quốc đang nổi lên. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay tại phiên thảo luận kín của diễn đàn rằng đó vẫn là vấn đề mà khu vực đang phải “vật lộn”.

Một trong các đề xuất là điều chỉnh thứ tự phát biểu cho Trung Quốc nói đầu tiên, thậm chí là mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành diễn giả chính trong diễn đàn năm sau.

Theo Vnexpress