Rôm sẩy ở trẻ nhỏ – bệnh thường gặp của mùa hè

0
43
Vào mùa hè, số trẻ mắc các bệnh về da tăng đáng kể, trong đó phổ biến nhất là hiện tượng trẻ bị lên kê, rôm sảy, mụn nhọt. Điều trị bệnh này không khó, tuy nhiên nếu chữa không đúng có thể dẫn đến nhiễm trùng da.

 

Rôm sảy nếu không được vệ sinh đầy đủ có thể phát triển thành mụn nhọt. Ở trẻ bình thường, các nốt mụn nhọt sẽ khỏi trong vòng 8-10 ngày. Nhưng nếu sức đề kháng yếu, nhọt có thể mọc liên tiếp hết nốt này đến nốt khác.

Rôm sảy rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là trong thời tiết nóng nực, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Miệng ống dễ bị bụi, ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể… càng có nhiều rôm.

Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy thông thường, đến khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Nhưng cũng có nhiều em ít được chú ý giữ gìn da sạch sẽ gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.

 

Hình ảnh bé bị rôm sẩy

Để trẻ đỡ bị rôm và tránh da bị nhiễm khuẩn trong những ngày hè oi bức, các bậc cha mẹ nên dành cho con những gian phòng rộng rãi, thoáng mát nhất; tránh đưa trẻ đến những nơi hội họp đông người, không khí nóng ngột ngạt, hoặc chen chúc trong những phương tiện giao thông công cộng. Cho các cháu mặc quần áo vải mỏng, rộng, nhạt màu; nên chọn loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi, tránh dùng những loại vải dày, vải nilon bí mồ hôi. Năng tắm rửa cho trẻ để luôn luôn giữ da sạch sẽ, mồ hôi bài tiết được dễ dàng. Hạn chế các thức ăn quá ngọt chocolate, kẹo, cho uống đủ nước. Không dùng kháng sinh hoặc bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp trẻ bị rôm sảy, không nên dùng các loại thuốc mỡ, kháng sinh hay thuốc sát trùng để bôi mà nên dùng các loại cây cỏ hoặc thảo dược để tắm hoặc bôi như dưới đây:

* Nếu bị rôm sẩy có thể lấy 2-3 quả mướp đắng thái mỏng nấu nước tắm cho bé hàng ngày. Các nốt rôm sẩy sẽ biến mất.

* Lá đào chữa chốc đầu: Dùng lá đào nấu nước gội đầu, rồi giã nát quả cùng với hạt mướp đắng để bôi.

 

Hình ảnh bé bị rôm sẩy

* Rau má chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Hàng ngày ăn rau má trộn dầu dấm, hoặc dùng rau má tươi giã nát, vắt lấy nước, thêm đường để uống.

* Sài đất trị rôm sẩy, viêm tấy, mụn nhọt: Dùng sài đất tươi 300g nấu với nước để tắm, hoặc dùng 100g sài đất tươi giã với muối, thêm 100ml nước sôi để nguội rồi vắt lấy nước uống     2 – 3 lần trong ngày.

* Sắn dây chữa rôm: Bột lọc (tinh bột) sắn dây dùng để pha nước uống với đường cho mát, giảm nhiệt, đỡ rôm sẩy.

* Đậu đen chữa rôm sẩy: 100g đậu đen ngâm vào nước lã cho mềm, đổ thêm nước ninh nhừ để ăn hoặc cho thêm đường, có tác dụng thanh nhiệt làm mát rôm sẩy.

* Chanh tươi trị rôm sẩy: Lấy 1 quả chanh tươi thái lát cho vào nước tắm cho trẻ, xát lá chanh vào người có tác dụng làm cho rôm sẩy lặn.

 

 

Rôm sẩy ở trẻ nhỏ – bệnh thường gặp của mùa hè

 

Theo NTD