Hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh

0
88
Canxi là khoáng chất quan trọng, tham gia vào cấu trúc xương, răng, sự co cơ, kích thích thần kinh…Trẻ bị hạ canxi huyết sẽ luôn trong tình trạng co giật toàn thân liên tiếp nhiều cơn và dễ tử vong do bị co thắt thanh quản.

 

Nhu cầu canxi ở trẻ dưới 1 tuổi là 300mg/ngày và trên 1 tuổi 500-700mg/ngày. Thiếu canxi sẽ gây khoáng hóa kém ở xương và răng, loãng xương, còi xương… Canxi được hấp thu ở phần trên ruột non, được sự hỗ trợ của vitamin D, dịch axít, mật ở ruột, lactose… song dễ bị chất béo cản trở.  

 

Nguyên nhân

 

Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân thiếu canxi có thể là do trong thời kỳ mang thai mẹ không được cung cấp đủ canxi. Sau khi sinh, người mẹ lại kiêng cữ quá mức như không dám ra nắng, không tắm nắng cho trẻ. Chính điều này làm thiếu vitamin D nên gây giảm hấp thu canxi, trẻ có nguy cơ thiếu canxi và hạ canxi máu.

 

Hạ canxi huyết ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là do mẹ bị tiểu đường và có chế độ ăn thiếu canxi. Ngoài ra, trẻ khi sinh bị ngạt, thiếu cân, thiểu năng cận giáp, hoặc được nuôi bằng sữa bò có nhiều photphat. Hiện tượng hạ canxi huyết ở trẻ còi xương là do thiếu vitamin D hoặc chế độ ăn thiếu canxi, kém hấp thu canxi.

 

Một số nguyên nhân khác cũng gây ra hạ canxi ở trẻ như:

 

– Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, đa thai (sinh đôi, sinh ba)

 

– Mẹ mang thai bị bệnh như: nhiễm độc thai nghén, nhau tiền đạo, bị tiểu đường, sinh khó (chuyển dạ kéo dài, chấn thương sản khoa, mổ lấy thai)…

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Biểu hiện

 

Biểu hiện của hạ canxi huyết ở trẻ sơ sinh là tình trạng co thắt, giật mình lúc ngủ rồi khóc thét, cơn khóc kéo dài hàng giờ, khi thở có tiếng rít do mềm sụn thanh quản. Ngoài ra, các triệu chứng kèm theo như co thắt thanh quản gây khàn tiếng, khó thở, tím tái và có khi ngừng thở. Sự co thắt dạ dày, cơ hoành, ruột và bàng quang làm cho trẻ nôn trớ, nấc cụt, són phân và nước tiểu.

 

Muốn chẩn đoán bệnh chắc chắn thì phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu. Trường hợp hạ canxi huyết có định lượng canxi huyết thanh dưới 7,5mg/dl và canxi ion dưới 2,8mg/dl.

 

Điều trị

 

Trong trường hợp hạ canxi máu cấp tính: cần phải bổ sung thêm canxi uống và vitamin D để tăng khả năng hấp thu canxi. Thuốc dễ uống có mùi thơm dạng nhũ dịch cung cấp canxi và vitamin D3 là calcigenol. Bác sĩ sẽ cho tiêm tĩnh mạch chậm (4 phút) canxi gluconate 10% 10 ml (chứa 94 mg canxi), trong trường hợp muốn đạt nồng độ canxi cao hơn bác sĩ có thể dùng canxi chlorure 10% 10ml (có chứa 272 mg canxi). Và sau đó cho pha truyền tĩnh mạch duy trì trong 4-6 giờ sao cho đạt nồng độ canxi về mức bình thường thì ngừng. Lưu ý rằng, khi trẻ bị hạ canxi cấp tính các bậc cha mẹ nên đưa trẻ vào bệnh viện để chữa trị ngay, không nên tự ý điều trị tại nhà.

 

– Nếu hạ canxi huyết cấp và có cơn co giật, trẻ cần được tiêm tĩnh mạch chậm bằng gluconat canxi, khi tạm ổn định thì tiếp tục cho uống canxi kết hợp với vitamin D.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

– Nếu canxi huyết thanh giảm nhẹ, không có cơn giật thì cho trẻ uống gluconat canxi kết hợp với vitamin D kéo dài cho đến khi canxi huyết thanh trở về bình thường.

 

Phòng ngừa

 

Ngoài ra để phòng ngừa thiếu canxi ở trẻ, người mẹ nên ăn uống đủ chất trong khi mang thai và sau sinh, đặc biệt là những loại thực phẩm giàu canxi như: ya-out, sữa đậu nành, các loại hải sản có vỏ cứng như tôm, cua… và theo dõi thai kỳ thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa.

 

Trẻ sinh ra nên được cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, cho trẻ tắm nắng để bổ sung vitamin D, giúp quá trình hấp thụ canxi được tốt hơn.

 

Ở trẻ còi xương, cần phải uống thêm canxi song song với điều trị vitamin D. Khi trẻ hồi phục thì giảm liều vitamin D xuống liều phòng bệnh thông thường. Cho trẻ tắm nắng hằng ngày và đảm bảo chế độ ăn của mẹ, con có đủ protein, vitamin, muối khoáng, đặc biệt lưu ý thức ăn giàu canxi.

 

 

 

CửaSổTìnhYêu

Hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh

 

Theo NTD