Cuộc đua nguyện vọng 2 sẽ quyết liệt

0
283

Mặc dù mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT năm nay không cao hơn năm ngoái, trong khi điểm thi của thí sinh trội hơn khá nhiều, nhưng không vì thế mà “cuộc đua” xét tuyển nguyện vọng bổ sung trở nên dễ dàng.


“Cuộc đua” sẽ quyết liệt

Theo kế hoạch tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, các trường còn chỉ tiêu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) từ ngày 21/8 đến ngày 30/10.

Một trong những rào cản cho các thí sinh điểm thi không cao năm nay khi đăng ký nguyện vọng 2 là sự xuất hiện của các thí sinh có mức điểm “khủng” nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 272 trường ĐH có số thí sinh dôi dư, đạt từ điểm sàn trở lên nhưng không trúng tuyển NV1. Trong đó, khối A có 76 trường, khối A1 có 52 trường, khối B có 55 trường, khối C có 27 trường, khối D1 có 61 trường. Nhiều trường dư đến hàng nghìn thí sinh: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dư 7.453 thí sinh (khối A), ĐH Y dược TPHCM dư 8.956 thí sinh (khối B), ĐH Nông lâm TPHCM dư 7.963 thí sinh…


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết nguồn thí sinh “dư” sau xét tuyển NV1 sẽ rất cao

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với mức điểm sàn được ra năm nay, khối ĐH dư tới 238.726 em có điểm trên sàn (năm 2012 dư 141.000 em), như vậy nguồn dư năm nay rất lớn, trong khi điểm chuẩn hầu hết các trường đều tăng, dẫn đến điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo đó cũng tăng cao hơn.

Ngoài ra, với những năm trước, thí sinh 18-19 điểm sẽ dễ dàng nhận được một chỗ ngồi trên giảng đường ĐH từ NV2, thậm chí là ở những trường khá có tiếng. Tuy nhiên, vì điểm thi năm nay tăng cao nên cuộc đua NV2 trở nên rất khó khăn, do có thí sinh trên 20 điểm trượt NV1 từ các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… Điển hình như các khối Y, Dược, nhiều thí sinh đạt 25, đến 27 điểm vẫn phải tiếp tục tranh đoạt một suất trúng tuyển NV2 sau khi trượt NV1.

Như vậy, với sự tham gia cuộc đua NV2 của không ít thí sinh trượt NV1 từ những trường tốp đầu sẽ khiến các thí sinh đạt mức điểm từ điểm sàn trở lên sẽ ít cơ hội lựa chọn hơn.

Theo kinh nghiệm, đa phần các trường ĐH nhóm đầu sẽ hạn chế tuyển NV2, hoặc nếu có thì chỉ diễn ra với những ngành “kém hấp dẫn”. Vì thế, đa số các thí sinh sẽ đổ dồn vào tranh suất học NV2 tại các trường ĐH nhóm giữa – trong trường hợp các trường này đã lấy NV1 mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu, tuyển NV2 là cách để các trường này nâng cao chất lượng đầu vào thay vì hạ điểm chuẩn NV1 xuống quá thấp.

Ví dụ như trường ĐH Mỏ Địa chất, năm nay, nếu lấy bằng mức điểm sàn của Bộ, trường vẫn còn dư tới 1.600 thí sinh so với chỉ tiêu. Nhưng để tăng chất lượng, trường sẽ giảm chỉ tiêu nguyện vọng 1 để tuyển nguyện vọng 2 từ ngày 20/8 đến 10/9. Một loạt trường ĐH công lập thông báo tuyển nguyện vọng 2 vừa qua cho thấy các suất này không quá nhiều và chủ yếu để tuyển thí sinh học khá.

Hay như ĐH Văn Hóa Hà Nội, ngoài tuyển NV2 ĐH có xét tuyển liên thông CĐ lên ĐH 3 ngành Khoa học thư viện, Quản lý văn hóa và Việt Nam học. Học viện Ngân hàng Hà Nội xét tuyển bổ sung 30 chỉ tiêu vào ngành Ngôn ngữ Anh. Đối tượng là TS dự thi khối D1 theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT năm 2013 đạt từ 23,0 điểm trở lên.

Học viện Chính sách và phát triển thông báo xét tuyển 160 chỉ tiêu NV2 đối với những TS có tổng điểm khối A từ 18 trở lên, Học viện Tài chính cũng cho biết sẽ dành 250 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho các ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, kế toán…; điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển từ 20 đến 22 tùy từng ngành.

Cần tỉnh táo trong việc lựa chọn

NV2 không “dành riêng” cho một thí sinh nào nên ngoài việc phụ thuộc trường ĐH đó có tuyển nguyện vọng 2 hay không và điểm số của các thí sinh có đủ để trúng tuyển theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp hay không, thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Một trong những điều thí sinh cần lưu ý là việc xét tuyển NV2 có thể chỉ “gói gọn” với thí sinh đăng ký dự thi vào trường khi có nhiều trường đưa ra điểm sàn và cho thí sinh đủ điểm sàn nhưng trượt nguyện vọng 1 vào trường sẽ có thêm ít nhất 2 lựa chọn nữa cho các ngành còn chỉ tiêu.

Theo quy định, thí sinh trượt NV1 nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn cao đẳng sẽ được nhận giấy chứng nhận kết quả thi. Ứng với mỗi khối thi, thí sinh sẽ nhận được ba giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển NV2.


Thí sinh cần cân nhắc cơ hội trước khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2

Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng cho phép thí sinh được quyền rút hồ sơ nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 đã nộp. Quy định này một mặt tạo cơ hội cho thí sinh linh hoạt trong xét tuyển, mặt khác cũng khiến thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin về thời gian xét tuyển, chỉ tiêu, diễn biến hồ sơ NV2…

Dù vậy, số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường chưa phải là yếu tố quyết định, điều quan trọng là điểm thi của thí sinh. Muốn tăng cơ hội trúng tuyển, đặc biệt vào các trường tốp giữa, thí sinh nên chọn những trường có điểm sàn xét tuyển chênh lệch với điểm thi của mình từ 2-3 điểm, thậm chí nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, nếu kết quả thi chỉ chênh lệch mức điểm sàn xét tuyển từ 1-1,5 điểm thì khả năng bị loại của thí sinh là rất lớn. Trong trường hợp điểm thi chỉ nhiều hơn điểm sàn chút ít, thí sinh chỉ nên nộp hồ sơ vào các trường ĐH vùng, các trường ngoài công lập… đặc biệt phải lưu ý đến số lượng chỉ tiêu xét tuyển.

Mặc dù theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường; tuy nhiên, có những trường chỉ nhận hồ sơ trực tiếp. Thời gian kết thúc xét tuyển, mỗi trường cũng không giống nhau, vì vậy, trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường muốn nộp hồ sơ để tránh đánh mất cơ hội một cách đáng tiếc.

Lee