Mẹ “đóng vai ác” cai sữa cho Bống

0
27

Mẹ muốn viết lại những kỉ niệm này, những cảm xúc này để sau khi con đọc lại, sẽ biết mẹ yêu con nhường nào.

Mẹ vẫn nhớ cảm giác háo hức, mong chờ dòng sữa đầu tiên xuất hiện sau khi sinh để dành cho con. Mẹ cũng nhớ lắm cảm giác buồn buồn, nhột nhột khi lần đầu cái miệng con chim non rúc vào vú mẹ mút chùn chụt. Ấy vậy mà chúng giờ đây sẽ chỉ còn là cảm giác và kỷ niệm của riêng mẹ mà thôi.

Con gái mẹ đã 20 tháng tuổi, con mới đi nhà trẻ được 2 tuần thôi nhưng rất ra dáng người lớn. Mặc dù tại thời điểm này con vẫn chưa có chỉ số cân nặng “đạt chuẩn” nhưng mẹ vẫn quyết tâm sẽ cho con cai sữa trong thời gian tới. Mẹ và con sẽ có một khoảng thời gian dài để chuẩn bị tâm lý cho thời điểm quan trọng này.

Mọi người luôn khuyên mẹ nên cai sữa cho con khi con ngoài tuổi rưỡi khi nhìn mẹ gầy gò, còn con thì lười ăn. “Cai sữa đi cho con nó chịu ăn, chịu chơi”, “Bống lớn rồi mà vẫn bú mẹ sao, xấu quá!” Đó là những gì mọi người hay nói với mẹ con mình.

Mẹ luôn tưởng tượng tới ngày, con gái mẹ không còn phụ thuộc mẹ, không “cần” mẹ như xưa. Bỗng dưng mẹ hụt hẫng. Mẹ chỉ muốn luôn ôm ấp con trong lòng, nhìn con bú mẹ rồi chọc tay cù cho con cười. Mắt con cười, miệng con cười làm lòng mẹ ấm áp. Mẹ chẳng muốn cai sữa cho con! Khi con hờn, con khóc thì chỉ cần đem “bảo bối” của mẹ ra là mọi chuyện sẽ thật đơn giản. Mẹ chẳng muốn cai sữa cho con! Mẹ cứ nấn ná, lấy lý do này, lý do khác để chần chừ, mẹ cứ muốn con bé bỏng như thế!

Mẹ "đóng vai ác" cai sữa cho Bống 1
Mẹ rất sợ ngày con không còn cần mẹ nhunhư xưa (ảnh minh hoạ)

Nhưng rồi một ngày mẹ nhận ra rằng, Bống con của mẹ đang xây dựng cho mình ý thức tự giác. Chưa đầy 2 tuổi, đi ra khỏi nhà con biết đóng kép cổng. Con biết giúp đỡ và thấy mình có trách nhiệm lao động cùng mọi người. Yêu làm sao cái cách con phân công chỗ ngồi, xếp đũa cho cả nhà khi mẹ bê mâm cơm lên. Hết bữa ăn con lại lăng xăng chạy cầm hộp khăn giấy cất đi, nhanh nhẹn bê bát cơm con ăn đưa cho mẹ rửa…

Mẹ quyết định, trước tiên cho con đi nhà trẻ để con thích nghi với môi trường mới rồi sẽ tới “ngày trọng đại” sau. Con có khóc nhưng cô giáo bảo, con cứng rắn hơn các bạn nhiều lắm. Với tính cách dễ gần, sôi nổi con quen bạn, quen cô rất nhanh, con ngoan hơn, ý thức hơn. Và mẹ quyết định đã tới lúc con phải tự lập, không lệ thuộc mẹ nữa.

2 đêm đầu tiên con vật vã, khóc thét to quá! Mẹ thương lắm! Mẹ chỉ muốn chiều con, lại cho con ty để con ngủ ngoan. Ba con thương con, giục mẹ rối rít : “Thôi cho con bú một lúc”. Mẹ chần chừ ít lâu rồi nói một cách mạnh mẽ: “Không được, con đã thôi bú được một ngày rồi, giờ mà đầu hàng thì sau cứ mãi thế, con không lớn được”. Lòng mẹ đau lắm, xót lắm nhưng vẫn cố xúc từng thìa sữa cho con. Khóc mệt, ăn no, mẹ lại bế bồng, ru con ngủ đêm như những ngày con còn đỏ hỏn: “À ơi! Bống ơi con ngủ cho ngoan”. Suốt cả tuần lễ, mẹ vắt sữa đi, uống thuốc cho tiêu sữa trong khi con thì thèm lắm cái “tỵ”, mẹ thương con rơi nước mắt nhưng vẫn cắn răng không bỏ cuộc. Mẹ chẳng hiểu, cuối cùng là Bống cai sữa mẹ hay mẹ đang phải “cai” Bống. Giờ đây mẹ mới hiểu rằng, mẹ nào mẹ chẳng thương con, nếu có một mai, mẹ đánh, mẹ trách hay mẹ cản con làm điều gì thì trước hết mẹ làm thế là vì mẹ yêu con. Đừng vội nói mẹ ích kỷ con nhé!

Hết những ngày đầu “cai nghiện” con gái tự giác dậy sớm đi học đúng giờ, uống sữa ngoài nhiều hơn, không còn khóc ỉ ôi đòi mẹ như trước. Để đảm bảo sức đề kháng cho con sau khi thôi bú mẹ, mẹ luôn bổ sung thực đơn ăn uống, tăng cường vi chất để con khỏe mạnh.

Nói thật với con gái là mẹ vẫn thấy mình mất mát một điều lớn lao lắm lắm nhưng chiều nay đón con ở nhà trẻ, có cô bé chạy lon ton ra gọi to “MẸ ƠI! BẾ BỐNG” lòng mẹ lại hạnh phúc và tự hào vì cô con gái dũng cảm. Những kỳ niệm và khoảng khắc, cảm giác thiêng liêng này, mẹ nghĩ, chỉ có những bà mẹ cùng cho con bú mới có thể hiểu và cảm nhận được như mẹ.

NS

Mẹ “đóng vai ác” cai sữa cho Bống