Cùng khám phá quá trình mọc răng của bé

0
1820

Mọc răng là cả một quá trình dài của bé. Từ nụ cười ‘toàn lợi’ cho đến nụ cười với những chiếc răng trắng xinh, bé cần phải mất khoảng 3 năm mới có thể hoàn thành.

Khi nào bé mọc răng?

Cuộc hành trình bắt đầu từ lúc bé còn nằm trong bụng mẹ. Khi mẹ mang thai, những mầm răng của bé đã phát triển, là nền tảng cho những chiếc răng sữa bé mọc sau này. Một số trường hợp hiếm gặp là khi sinh ra bé đã có sẵn một, hai chiếc răng hoặc bắt đầu mọc răng trong tuần đầu tiên sau khi ra đời. Còn lại hầu hết các bé đều bắt đầu nhú răng trong khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 7.

Nếu bé phát triển sớm, bạn có thể sẽ thấy những chiếc mầm răng nhú lên từ tháng thứ 3 (thường sẽ là chiếc răng chính giữa ở hàm dưới). Nếu bé phát triển chậm, bố mẹ có khi phải đợi đến khi bé 1 tuổi hoặc lâu hơn nữa mới có thể thấy những chiếc răng đầu tiên nhú lên. Đến tuổi thứ 3, bé đã mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa.

Quá trình mọc răng của bé ra sao?

Việc mọc răng thường làm cho bé có những triệu chứng khó chịu và cũng được xem là những dấu hiệu cho thấy bé đang đi vào giai đoạn mọc răng. Chẳng hạn như:

– Chảy nước dãi (có thể gây phát ban, đỏ mặt);
– Nướu sưng và nhạy cảm;
– Khó chịu, hay cáu gắt;
– Ngứa răng, hay cắn;
– Không chịu ăn;
– Khó ngủ.

Mọc răng còn hay đi kèm với sốt nhẹ hoặc thậm chí là những cơn đau bụng. Tuy vậy, nếu bé bị sốt cao hơn 38 độ, nôn ói, tiêu chảy hoặc có các triệu chứng khác khiến bạn lo lắng, đừng chỉ nghĩ rằng bé đang mọc răng mà hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra cho chắc chắn nhé!

Hầu hết em bé sẽ mọc răng theo thứ tự: hai răng cửa hàm dưới, hai răng cửa hàm trên, sau đó là những chiếc răng bên cạnh và răng hàm.



Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Những chiếc răng sữa sẽ theo bé cho đến khi bé 6 tuổi và rụng đi để những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên thay thế.

Vai trò của bố mẹ

Bố mẹ không thể làm gì để giúp răng bé mọc nhanh hơn, tuy nhiên bố mẹ sẽ là những người giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trong quá trình mọc răng. Được nhai các loại đồ gặm nướu hay một chiếc khăn sạch ướp lạnh sẽ làm cho cơn khó chịu của bé giảm đi phần nào. Bé cũng có thể thoải mái hơn khi ăn những món lạnh như táo xay hoặc sữa chua.

Massage nướu răng cũng là một cách xoa dịu sự khó chịu cho bé. Sau khi rửa tay thật sạch, bạn dùng ngón tay chà nhẹ nhàng nhưng có lực lên phần nướu của bé. Lực ấn từ ngón tay giúp cân bằng áp lực từ chiếc răng đang nhú lên bên dưới, làm cho bé cảm thấy thoải mái hơn.

Nếu các phương pháp trên tỏ ra không hiệu quả, bạn có thể nhờ bác sĩ kê cho bé loại acetaminophen dành cho em bé, giúp giảm đau và viêm. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyên rằng bố mẹ không nên sử dụng các loại gel giảm đau, gây tê nướu được bán ở các nhà thuốc vì có thể gây ngộ độc cho bé.

Khi những chiếc răng bắt đầu xuất hiện, một trong những điều cần quan tâm chính là giữ gìn vệ sinh răng miệng cho bé. Bố mẹ hãy dùng chiếc bàn chải trẻ em với một ít kem đánh răng để làm vệ sinh răng cho bé 2 lần mỗi ngày. Khi em bé khoảng 2 tuổi, có thể tăng dần lượng kem đánh răng sử dụng mỗi lần lên khoảng một hạt đậu nhỏ. Nếu như không thể chải sạch hết bề mặt răng cho bé, bố mẹ có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa.

Lưu ý không nên để bé ngậm bình sữa bú khi ngủ bởi lượng đường trong cả sữa công thức lẫn sữa mẹ có thể bám vào răng bé và gây ra tình trạng tổn thương răng sớm ở trẻ hay còn gọi là sâu răng sữa.

Một trong những cách để tránh và giảm thiểu nguy cơ bé bị sâu răng sữa đó là mẹ hãy chuyển cho bé từ bú bình đang uống bằng cốc khi bé được khoảng 1 tuổi. Bố mẹ cũng nên tránh cho bé sử dụng cốc có vòi bú vì chúng cũng có thể gây ra tình trạng sâu răng tương tự như bé ngậm bình bú.

Đến tháng thứ 6, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung fluoride và có những cuộc kiểm tra kỹ càng về răng miệng cho bé. Khi bé được 1 tuổi, mẹ nên bắt đầu dẫn bé đi khám răng. Nếu lúc này bé nhà bạn vẫn chưa có dấu hiệu nào của chiếc răng đầu tiên, đó cũng là lúc bố mẹ nên cho bé đi khám để bác sĩ cho lời khuyên.

Khi bé được 18 tháng, bé đã có thể sẵn sàng để học cách chải răng. Tuy vậy bố mẹ vẫn nên giúp bé thực hiện việc đánh răng mỗi ngày vì bé vẫn chưa đủ thuần thục và sự tập trung để tự làm việc đó một mình đâu.

Bạn không cần phải chải răng đúng chiều, chỉ cần cố gắng chải cho sạch thức ăn và mảng bám trên răng của bé là tốt nhất. Nếu bé không thích mùi vị của kem đánh răng, hay đổi loại khác cho bé để giúp bé cảm thấy hứng thú hơn với việc vệ sinh răng miệng này.

Ngoài ra bố mẹ không nên cho bé ăn nhiều đồ ngọt. Nếu có, hãy đánh răng ngay cho bé sau khi ăn.

Khi nào cần lo lắng?

Nếu đến hết năm đầu tiên mà bé vẫn chưa nhú lên chiếc răng nào, bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ vào lần khám định kì tiếp theo cho bé nhé! Lưu ý là những bé sinh non thường sẽ có thời gian phát triển dài hơn so với các bạn đồng trang lứa.

Nếu bé nhà bạn có các dấu hiệu mọc răng, từ chảy nước dãi, sưng nướu, nhưng cũng có vẻ như có những cơn đau đớn bất thường (bé có thể khóc hoài không nín), hãy nhanh chóng gọi cho bác sĩ để được tư vấn giải pháp giúp bé dễ chịu hơn nhé! 

Mẹ & bé