Nghỉ Tết, tôi phát sốt vì đi đâu cũng nghe câu “chói tai” này

0
180

Chỉ mùng 3 Tết, tôi đã không thể chịu nổi phải nhoai nhể bỏ quê lên Hà Nội. Tôi thà ở một mình còn hơn phải đi gặp gỡ họ hàng, láng giếng và nghe họ lải nhải một câu như thể tôi thiếu nợ đời họ.

Trước Tết, tôi đã đọc được một vụ án một anh chàng Indonexia đã giết hàng xóm chỉ vì bị cô ta hỏi “sao không lấy vợ?”. Phải nói, tôi hiểu hơn ai hết nỗi niềm muốn “giết người” chỉ vì một câu nói tưởng như bâng quơ vô tình đến vậy. Nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về.

Tôi năm nay 31 tuổi, trình độ Đại học, năng nổ, tháo vát. Nhưng không phải vô duyên thế nào mà tôi lận đận chuyển việc tới 5 lần trong 8 năm tốt nghiệp. Vì vậy đến giờ tôi vẫn là nhân viên kinh doanh quèn, sống ở nhà trọ. Lại nói ở thời buổi đàn bà con gái đều mê giai có body đẹp, bộ mặt thiên sứ, nụ cười thiên thần, tài năng thiên tài thì tôi chỉ cao có 1m61, nặng chừng 57kg.

Nghỉ Tết, tôi phát sốt vì đi đâu cũng nghe câu “chói tai” này - 1

Tôi biết làm sao khi các cô gái cứ thấy tôi là “chạy mất” (Ảnh minh họa IT)

Thú thật, soi mình trong gương tôi cũng tưởng mình sa cơ lỡ vận, đói ăn đến nỗi hư nhược cơ thể. Do đó, khi đi hẹn hò, tôi thường phải mặc 3 áo, luôn uống nước nhiều để trông mình có vẻ bề thế, thành đạt một tí. Nhưng chính vì vậy mà nhiều khi tôi nóng, mồ hôi tuôn rào rào, lại còn thường xuyên uống nước, đi vệ sinh, bạn gái lại tưởng tôi mắc bệnh khó nói, càng chạy nhanh.

Có khi chỉ nửa buổi hẹn, em xin phép đi vệ sinh rồi mất hút, nửa năm sau tôi vẫn chưa gặp lại. May tôi cũng không kịp si tình, nếu không có khi tôi ngồi trồng cây si chờ em đi vệ sinh từ năm trước qua năm sau cũng nên. Có em lại lướt nhìn tôi từ đầu đến chân rồi cười hi hí bảo: “Quê em ở biển, gió to lắm, anh thế này chắc em chẳng dám mời về”. Dù kém thông minh nhưng tôi cũng hiểu em muốn nói tôi mỏng phất phơ thế này, gió thổi bay.

Không tiền, không thế, không nhà, không đẹp trai, không cả vóc dáng to khỏe, nên từng người tình cứ bỏ tôi đi. Thực ra cũng không gọi được là “người tình” vì giữa chúng tôi cùng lắm là có chung một buổi uống nước, tình giống như ngụm nước lọc miễn phí, chả có tí mùi vị, dư âm gì.

Thời gian qua vùn vụt, nhanh chả kém các cuộc hẹn hò của tôi. Tôi là trai duy nhất trong gia đình có 5 con, lại độc đinh mấy đời nên car nhà sốt sình sịch. Cứ thấy tôi về nhà là mọi người lại hỏi han, phàn nàn, thúc giục, bày mưu tính kế khiến tôi cảm thấy mình bị căng ra 5- 6 phía: 4 chị gái mỗi người một chân một tay, mẹ tôi cái đầu, bố tôi đứng chỉ huy. Lỗ tai tôi lúc nào cũng ong ong mấy từ: Vợ, Bạn gái, Người yêu, Con, Cháu…

Người nhà sốt ruột là lo cho hạnh phúc của tôi, nhưng người dưng, hàng xóm, bạn bè, vô duyên mà cứ hỏi: “Sao không lấy vợ?”, “Bằng tuổi mày con tao đã học cấp 2”, hay “Thằng hai nhà tao vừa sinh đứa thứ 3, sao mày còn kén thế”. Có người còn khuyên bảo rất chân tình: “Đừng chơi bời nữa, lấy vợ cho ổn định”, hoặc nói thẳng: “Cao tuổi mà vẫn phải bế con quấy bột thì mệt lắm”, có người sỗ sàng: “Mày hỏng hay giới tính có vấn đề?”.

Lúc đầu tôi còn giả lả cười đáp: “Cháu chưa tới duyên số”, hoặc “Con gái chê cháu”. Nhưng đến lần thứ n thì tôi cáu thực sự. Nếu ai tinh ý có khi còn nhìn thấy hơi nóng tuôn phì phì qua lỗ mũi, lỗ tai tôi. Tôi chỉ muốn quát vào mặt thiên hạ: “Vô duyên vừa chứ. Tôi lấy vợ hay không ảnh hưởng tới nhà các ông bà hay sao?”. Ai chả muốn yên ổn, hạnh phúc nhưng mỗi người một nỗi niềm, đừng khoét vào nỗi đau của nhau có được hay không? Hoặc đừng nhìn người khác với ánh mắt đầy ẩn ý như bảo: “Khoai dím rồi”.

Tôi cô đơn không có nghĩa nhân phẩm, tính cách, thậm chí năng lực tình dục của tôi có vấn đề. Bạn bè tôi cũng có người còn độc thân nhưng họ hài lòng với sự độc thân đó, sống hạnh phúc, vui vẻ, cớ sao mọi người cứ lấy thước đo “lứa đôi” ra để đánh giá người khác. Ngay cả tôi dù hẹn hò không thành công nhưng vẫn tâm niệm rằng phải tìm được người mình thực sự yêu thương và hòa hợp với mình chứ nhất định không vơ bèo vặt tép.

Nếu phải sống kiếp độc thân tôi cũng thấy vui hơn là miễn cưỡng “có đôi” chỉ để “bằng anh bằng em”.

Theo Hùng Cường (Dân Việt)